Theo các kinh sách Phật giáo, ngày mồng một và ngày rằm là ngày của Phật. Ngày rằm tháng giêng là ngày duyên lành phổ độ, ngày Đức Phật giáng lâm xuống các chùa chiền để chứng độ lòng thành của tín chúng đạo hữu. Cho nên, các ngôi chùa vào rằm tháng giêng đèn hoa cờ phướn kết dày lộng lẫy, người người đi lễ Phật rất đông, để cầu xin Đức Phật phù hộ cho mọi sự được thiện lành, bình an. Bởi vậy cho nên dân gian mới có câu: “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng” hoặc “Ăn chay quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng”. Nhân ngày Rằm tháng Giêng 15/1 âm lịch, chúng tôi gửi tặng bạn đọc bài viết: “TÌM HIỂU VỀ TẾT NGUYÊN TIÊU”. Bài viết được trích từ cuốn sách: “Tìm hiểu văn hóa tâm linh của người Việt” của đồng tác giả GS.TS. Cao Ngọc Lân và ThS. Cao Vũ Minh, Nhà xuất bản Lao Động phát hành năm 2013.
1. Nguồn gốc Tết Nguyên Tiêu
a. Lễ hội Đêm Nguyên Tiêu ở Trung Quốc
Đêm rằm tháng Giêng hàng năm là tết Nguyên tiêu - một ngày tết truyền thống trong dân gian Trung Quốc, còn được gọi là “Đăng tiết”. Tết Nguyên tiêu theo phong tục cũ, từ thành thị đến nông thôn, khắp nơi đều treo đèn kết hoa, xem hoa đăng, chơi đố đèn, cảnh tượng vô cùng náo nhiệt. Đêm đó, bất luận là hoàng thân quốc thích, bách tính bình dân, hay thiếu nữ chốn phòng khuê, đều phá lệ tham gia, thuận theo tập tục, cùng nhau xách đèn, ra phố vui chơi. Từ thời Đường, Tống, Minh, Thanh, tết Nguyên tiêu đã trở thành một hoạt động vui chơi quan trọng mang tính chất quần chúng trong các dịp lễ tết của năm. Tao nhân mặc khách ngâm thơ viết phú tăng thêm nhã hứng cho ngày tết. Đến hiện nay, vào tết Nguyên tiêu, thả đèn, xem đèn vẫn là một hoạt động vui chơi mà mọi người ở các nơi rất thích, đặc biệt là mấy năm trở lại đây, xuất hiện những cảnh tượng phồn vinh hơn trước. Mọi người rất thích tết Nguyên tiêu, thế thì tết Nguyên tiêu bắt đầu từ lúc nào? Có ý kiến cho rằng tết Nguyên tiêu hình thành vào thời Đường. Ý kiến khác cho rằng tết Nguyên tiêu là từ thời Hán lưu truyền lại. Cũng có ý kiến cho rằng tết Nguyên tiêu là hoạt động tôn giáo khởi nguồn từ Phật giáo. Chúng ta lần lượt tìm hiểu các truyền thuyết này.
b. Nguồn gốc Tết Nguyên Tiêu
Trong dân gian, truyền thuyết về nguồn gốc của tết Nguyên tiêu không thống nhất. Có truyền thuyết cho rằng, Tuỳ Dượng Đế ham mê sắc dục, muốn cưới em gái của mình. Cô em không đồng ý tìm cách thoái thác, chỉ khi nào đêm rằm tháng Giêng xuất hiện đầy sao trên mặt đất mới chịu thành hôn. Tuỳ Dượng Đế bèn hạ lệnh dân chúng khắp nơi ở kinh thành vào đêm rằm tháng Giêng nhà nhà đều thắp đèn, ai trái lệnh sẽ bị chém. Tối hôm đó, cô em lên lầu nhìn thấy khắp nơi đều có ánh đèn, ngỡ là sao trên mặt đất liền nhảy xuống lầu tự vẫn. Để tưởng niệm cô gái không chịu khuất thân ô nhục, hàng năm cứ đến rằm tháng Giêng, dân gian đều thắp đèn.
Có truyền thuyết cho rằng tết Nguyên tiêu bắt nguồn từ Hán Vũ Đế. Do lúc bấy giờ vào tết Nguyên tiêu các cung nữ rất nhớ đến cha mẹ ở nhà, cung cấm thâm nghiêm làm sao ra được để về thăm nên Đông Phương Sóc đa mưu túc trí sau khi biết được rất cảm thông liền nghĩ ra một cách. Trước tiên cho phao tin trong dân gian rằng thần hỏa sắp phái người đến hoả thiêu thành Định An khiến cho trong cung trong thành đều lo sợ. Sau đó, ông dâng kế lên Hán Vũ Đế, vào đêm rằm tháng Giêng, mọi người trong cung nên ra bên ngoài để tránh tai họa, khắp kinh thành đường lớn ngõ nhỏ, nhà cửa sân vườn đều treo đèn đỏ giống như khắp thành có lửa để đánh lừa thần hỏa. Hán Vũ Đế đồng ý, các cung nữ nhân cơ hội ấy được về nhà sum họp. Từ đó, hàng năm vào rằm tháng Giêng đều có tục thả đèn.
Ngoài ra còn có một truyền thuyết nữa, tết Nguyên tiêu có nguồn gốc từ một tập tục nông sự “phóng sáo hoả”. Hàng năm vào khoảng rằm tháng Giêng, vụ cày xuân sắp đến, nông dân bận rộn chuẩn bị cày cấy. Vào tối hôm đó, nông dân một số nơi đem cỏ khô củi mục gom góp lại rồi phóng hoả thiêu đốt để diệt trừ sâu hại
[1].
2. Ý nghĩa Tết Nguyên Tiêu
Nguyên tiêu nghĩa là đêm trăng đầy nhất của tháng đầu tiên trong năm, tức rằm tháng giêng. Đêm trăng sáng khởi đầu của một năm mới với hương khí tinh nguyên của tiết trời ấm lành, tràn đầy sức sống mùa xuân.
Theo cụ Đào Duy Anh, nguyên nghĩa chữ tiết ở trong nghĩa của thời tiết, các tiết trong năm, về sau người ta gọi chệch đi là tết, nên tiết Nguyên tiêu thành Tết Nguyên tiêu là vậy. Do tết Nguyên tiêu được người xưa tổ chức vào ngày rằm tháng giêng, lại có vật phẩm dâng cúng Trời – Phật – Thánh một cách thành kính nên cũng gọi lễ Cúng rằm tháng giêng. đây cũng là cái tết đầu xuân sau Nguyên đán nên lại gọi tết Thượng nguyên một lễ tết truyền thống vốn có từ lâu đời. Theo các kinh sách Phật giáo, ngày mồng một và ngày rằm là ngày của Phật. Ngày rằm tháng giêng là ngày duyên lành phổ độ, ngày Đức Phật giáng lâm xuống các chùa chiền để chứng độ lòng thành của tín chúng đạo hữu. Cho nên, các ngôi chùa vào rằm tháng giêng đèn hoa cờ phướn kết dày lộng lẫy, người người đi lễ Phật rất đông, để cầu xin Đức Phật phù hộ cho mọi sự được thiện lành, bình an. Bởi vậy cho nên dân gian mới có câu: “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng” hoặc “Ăn chay quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng”.
Trước cảnh đẹp của mùa xuân, thời khắc giao hòa, khí vận đổi thay, trải qua nhiều triều đại, vua chúa Trung Quốc cũng như Việt Nam có lệ ban lấy ngày Nguyên tiêu là dịp để triệu tập các Trạng nguyên và những người đỗ đạt cao trong nước về kinh hội họp, đãi yến tiệc trong vườn Thượng Uyển. Tại đây, các ông Trạng cùng nhau xem hoa thưởng nguyệt, làm thơ xướng họa, ứng đáp câu đối, thổi sáo chơi đàn, ca ngợi tạo hóa và triều đại, bởi vậy nên về sau người ta gọi là tết Trạng nguyên; một ngày tết dành riêng để tôn vinh việc học hành. Nước ta vào thời Lý – Trần, triều đình có tổ chức tết Trạng nguyên; đặc biệt dưới thời vua Lê Thánh Tông, tết Trạng nguyên được tổ chức một cách trọng thể ở kinh thành Thăng Long, khắp cả trong cung ngoài phố múa hát đàn ca tưng bừng, cờ hoa trang hoàng rực rỡ.
Tết Nguyên tiêu là men tố, là thời khắc gây nguồn cảm hứng thi ca bất tận. Vào dịp này, những tao nhân mặc khách hay kẻ sĩ thường tụ họp lại ở các vườn nhà, hoặc rủ nhau lên núi ngắm trăng làm thơ, ngợi ca cảnh đẹp quê hương đất nước. Đối với bình dân, vào dịp tết Nguyên tiêu nhiều nơi thường mở hội làng, bằng nhiều loại hình dân gian, tổ chức lễ thắp đèn hoa, đua thuyền bơi trải, vật võ, có cả múa, hát, lục cúng hoa đăng…
Tết Nguyên Tiêu trở thành tết đèn đến giữa thời Đường thì hình thành tập tục cố định, trong đó treo đèn và ngắm đèn là nội dung chủ yếu của ngày lễ này. Ví dụ ngày 13 tháng giêng gọi là “Thượng đăng”, 14 gọi là “Thí đăng”, 15 gọi là “Chánh đăng”, 17 gọi là “Bãi đăng” hoặc là “Tàn đăng”. Bởi vì hoạt động tập tục chủ yếu Tết Nguyên Tiêu là treo đèn, ngắm đèn, thi đèn nên gọi là “ngày lễ đèn”.
Đèn của tết Nguyên Tiêu trong dân gian Đài Loan còn bao hàm nghĩa chiếu sáng, thắp lên ánh đèn có nghĩa là chiếu sáng tiền đồ. Mà trên ý nghĩa giáo dục sanh mệnh tiêu biểu cho giá trị rực sáng của sanh mệnh làm cho sanh mệnh bừng sáng, Nhân Sanh như một tia sáng. Giá trị chủ yếu của sanh mệnh là hiểu được thế nào để yêu người khác mà không làm tổn hại người khác làm cho tình bạn, người thân và tình yêu hoàn hảo toàn diện làm cho nhân sanh càng thêm đa sắc thái.
3. Sắm lễ Tết Nguyên Tiêu và văn cúng
Ngày Tết Nguyên Tiêu các gia đình thường sắm hai lễ cúng: lễ cúng Phật và lễ cúng Gia tiên. Gia chủ có thể lập đàn tràng tại gia để làm lễ giải hạn. Đàn tràng lập ngoài sân. Cúng Phật là mâm lễ chay tinh khiết, cùng hương hoa đèn nến. Cúng gia tiên là mâm lễ mặn với đầy đủ các món ăn ngày Tết đầy đủ, tinh khiết. Các vật phẩm khác như: hương hoa vàng mã; đèn nến; trầu cau; rượu.
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).
- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, chư Phật mười phương.
- Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ (chúng) con là: ................................. Ngụ tại:…………………………….
Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng năm... gặp tiết Nguyên tiêu, tín chủ con lòng thành, sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, dâng lên trước án. Chúng con kính mời ngày Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài Thần. Cúi xin các ngài linh thiêng nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ................... nghe lời khẩn cầu, kính mời của con cháu, giáng về chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời Ông bà Tiền chủ, Hậu chủ tại về hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành phù hộ độ trì cho gia chung chúng con được vạn sự tôn lành. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng an bình.
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).
4. Lễ dâng sao Tết Nguyên Tiêu
a. Ý nghĩa Lễ dâng sao giải hạn vào ngày tết Nguyên Tiêu
Ông bà ta xưa quan niệm rằng: Mỗi năm, mỗi người có một ngôi sao chiếu mệnh như: La Hầu, Thổ Tú, Thuỷ Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Vân Hán, Kế Đô. Trong đó có sao vận tốt, lại có sao vận xấu. Nếu ai bị sao vận xấu chiếu mạng trong năm thì làm lễ dâng sao giải hạn; nếu ai được sao tốt chiếu mạng thì làm lễ dâng sao nghinh đón.
Sắm lễ: lễ dâng sao giải hạn vào ngày tết Nguyên. Lễ nghênh, tiễn được tiến hành thường kỳ vào những ngày nhất định của các tháng trong năm.
Tuy vậy, dù sao nào chiếu mệnh thì vào ngày rằm tháng Giêng, người ta thường làm lễ dâng, sắm đủ phẩm lễ, đủ số lượng các đèn, nến tuỳ theo mỗi sao cần nghinh tiễn.
Bài vị được thiết lập trên giấy, có màu tương ứng với ngũ hành của từng sao. Ví dụ Mộc Đức giấy màu xanh, Thái Bạch giấy màu trắng, Thổ Tú giấy màu vàng…
b. Văn khấn cúng dâng sao giải hạn
(Nhân ngày Rằm tháng Giêng)
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).
Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng năm.................
Tín chủ (chúng) con là:....................... Ngụ tại:…………………………………..
Chúng con thành tâm có lời kính mời:
Nhật cung Thái Dương Thiên Tử tinh quân, Nam Tào Bắc Đẩu tinh quân, Thái Bạch, Thi Tuế tinh quân, Bắc cực Tử vi Đại Đức tinh quân. Văn Xương Văn Khúc tinh quân, Nhị thập Bát Tú, Ngũ Hành tinh quân La Hầu, Kế Đô tinh quân. Giáng lâm trước án, nghe lời mời cẩn tấu:
Ngày rằm Nguyên Tiêu, theo lệ trần tục, tín chủ con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả thắp nén tâm hương dâng lên trước án, kính mời các vị lai lâm hâm hưởng, phù hộ cho toàn gia chúng con luôn luôn mạnh khoẻ, mọi sự bình an, vạn sự tối lành, gia đình hoà thuận, trên bảo dưới nghe.
Đèn trời sán lạn,
Chiếu thắp cõi trần.
Xin các tinh quân.
Lưu ân lưu phúc.
Lễ tuy mọn bạc.
Lòng thành có dư.
Mệnh vị an cư.
Thân cung khang thái.
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).
[1] Huỳnh Chung Hưng, Nguyên tiêu đăng tiết khởi nguyên, Nxb. Giáo Dục, 2007.