MỘT VÀI KIẾN NGHỊ GỬI QUỐC HỘI KHÓA XIII
Thứ năm - 17/10/2013 07:20
Khoản 11, Điều 84 Hiến pháp hiện hành quy định: “Quốc hội quy định hàm, cấp trong các lực lượng vũ trang nhân dân, hàm, cấp ngoại giao và những hàm, cấp Nhà nước khác; quy định huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự Nhà nước”. Do đó, tôi cho rằng, việc truy phong Võ Nguyên Giáp là NGUYÊN SOÁI thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
ĐỘC LẬP - TỰ DO - HẠNH PHÚC
KÍNH GỬI: QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Tôi tên: Cao Ngọc Lân: Là Giáo sư, Tiến sĩ nghiên cứu về văn hóa –lịch sứ. Hiện nay thường trú tại nhà số 628 Đoàn Văn Bơ, phường 16 ,Quận 4, Tp.Hồ Chí Minh
Hôm nay chúng tôi xin kiến nghị lên Quốc hội một số ý kiến về việc tôn vinh công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Việc tôn vinh này phù hợp với nguyện vọng chân chính của đại đa số nhân dân đối với công ơn to lớn của Đại tướng.
1. Về tôn vinh tên tuổi sự nghiệp huyền thoại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
* Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà chỉ huy quân sự và nhà hoạt động chính trị Việt Nam. Là Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông chỉ huy chính trong cuộc kháng chiến chống Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông cũng trực tiếp hoặc tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng như thế chiến thứ 2 chống Pháp, Nhật, Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950, Trận Điện Biên Phủ (1954), Chiến dịch Tết Mậu Thân (1968), Chiến cục năm 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975).
Từ năm 1944-1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại. Với 30 năm làm tổng tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh. Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có. Ông là một trong vị tướng huyền thoai trong lịch sử thế giới. Theo thống kê, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua, từ thời Alexandre Đại đế đến thời cận hiện đại với các Nguyên soái Kutuzov, Jukov..., những người đã có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lần lượt đọ sức và đánh thắng 10 đại tướng của Pháp và Mỹ (4 Pháp và 6 Mỹ), chưa kể đến nhiều viên đại tướng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Các tướng lĩnh Mỹ khi nhắc đến ông vẫn thường gọi ông là “Đại tướng 5 sao”. Tướng William Westmoreland gọi ông là “Tướng huyền thoại” (Legendary Giap). Tên tuổi và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với những sự kiện quan trọng nhất và vẻ vang nhất của dân tộc Việt Nam và thế giới.
Người dân Việt Nam luôn thể hiện sự tôn kính đối Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cả thế giới đều coi ông là vị tướng huyền thoại, là một trong 10 vị tướng của thế giới giỏi nhất mọi thời đại. Ông là vị tướng của lòng dân. Điều này đã thể hiện hết sức thuyết trong tang lễ của ông. Để tôn vinh ông và hợp với lòng dân cả nước, tôi kiến nghị Quốc hội khóa XIII thảo luận và quyết định truy phong đại tướng Võ Nguyên Giáp là NGUYÊN SOÁI của Việt Nam vì các lý lẽ sau đây:
- Thứ nhất, hiện nay ở nước ta có khá nhiều các Đại tướng (kể cả Quân đội nhân dân lẫn Công an nhân dân), trong khi đó, các vị tướng này xét về công trạng và tầm ảnh hưởng không sâu sắc như Tướng Giáp. Việc truy phong ông là NGUYÊN SOÁI thiết nghĩ là rất cần thiết. Điều này không chỉ thể hiện lòng tôn kính của dân tộc đối với tiền nhân mà còn phù hợp với công trạng hiển hách của tướng Giáp.
- Thứ hai, từ năm 1948, Võ Nguyên Giáp được phong Đại tướng và suốt từ đó đến nay ông vẫn cứ “giậm chân” ở cấp hàm Đại tướng. Điều này là không phù hợp với thông lệ quốc tế và lòng dân. Tôi cho rằng, nếu phong ông là NGUYÊN SOÁI chắc chắn sẽ được toàn dân tộc đồng tình.
Khoản 11, Điều 84 Hiến pháp hiện hành quy định: “Quốc hội quy định hàm, cấp trong các lực lượng vũ trang nhân dân, hàm, cấp ngoại giao và những hàm, cấp Nhà nước khác; quy định huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự Nhà nước”. Do đó, tôi cho rằng, việc truy phong Võ Nguyên Giáp là NGUYÊN SOÁI thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Bên cạnh đó, Điều 53 Hiến pháp hiện hành quy định: “Công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”. Thiết nghĩ, nếu Quốc hội “ngại” thì có thể mang vấn đề này ra trưng cầu dân ý để nhân dân quyết định.
2. Đặt tên đường xứng tầm với Đại tướng
Theo tôi, việc sẽ có một con đường mang tên Đại tướng là chuyện không cần bàn cãi. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải chọn những con đường tầm cỡ lớn gắn với những chiến công huyền thoại của ông để tên đường mang tên ông được lưu danh muôn thuở.
3. Mở hội nghị khoa học nghiên cứu thật kỹ kế hoạch mở đường hầm qua núi Tam Đảo
Tôi đã có đề tài nghiên cứu khoa học về đường hầm xuyên núi Tam Đảo gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh trong kỳ tiếp xúc với cử tri ngày 10/10/2013. Theo đó, tôi đề xuất Quốc hội và Chính phủ hãy tổ chức một hội thảo khoa học, mời các nhà khoa học về lịch sử, văn hóa, phong thủy để phân tích cái được, cái mất để thấy lợi hại của việc mở đường hầm qua núi Tam Đảo rồi hãy quyết định xem có nên mở con đường hầm này.
Một minh chứng lịch sử là các triều đại phong kiến như nhà Đinh, nhà Hồ, nhà Nguyễn Tây Sơn bị các thầy Địa lý Trung Quốc triệt hay trấn yểm Long mạch mà nhanh chóng bị suy vong. Nhiều làng xã vì bị triệt long mạch cả làng gặp nạn. Làng tiến sĩ Thổ Hoàng ở Hưng Yên thời phong kiến có hàng trăm người đỗ Cử nhân, Tú tài có 10 người đỗ Tiến sĩ. Sau này có thầy Địa lý Trung Quốc bày kế đào kênh cắt đứt long mạch của làng, từ đó tám đời sau cả làng không có ai đỗ tiến sĩ nữa.
Xin trân trọng cảm ơn các vị Đại biểu Quốc hội và quý vị cử tri. Chúc súc khỏe toàn thể quý vị.
GS.TS Cao Ngọc Lân