MẠN ĐÀM VỀ CHUYỆN TRANG PHỤC KHI ĐI CHÙA
Thứ ba - 31/01/2017 06:10
Đành rằng đi chùa quan trọng là cái tâm hướng Phật nhưng trang phục cũng là điều cần chú ý. Nhiều người đi chùa với tâm thế khá cởi mở. Giờ đây, kinh tế mở cửa, chính vì thế mà cách ăn mặc của họ cũng có phần cởi mở. Vâng, quả là bây giờ người ta ăn mặc... “thoáng” quá, “cởi mở” quá, nhất là giới trẻ.
“Hôm nay, Tuyết mặc bộ y phục Ngây thơ – cái áo dài voan mỏng và đội một cái mũ mấn xinh xinh. Với cái tráp trầu cau và thuốc lá, Tuyết mời các quan khách rất nhanh nhẹn, trên mặt lại có vẻ buồn lãng mạn rất đúng mốt một nhà có đám. Nhiều ông tai to mặt lớn thì sát ngay với linh cữu, khi trông thấy làn da trắng thập thò trong làn áo voan trên cánh tay và ngực Tuyết, ai nấy cũng đều cảm động hơn những khi nghe tiếng kèn Xuân nữ ai oán, não nùng”. Đây là một đoạn văn trào phúng trong tác phẩm “Số đỏ” nổi tiếng của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Nhà có đám tang mà cô Tuyết lại ăn mặc không hợp hoàn cảnh để dẫn đến tình trạng dở khóc dở cười như trên.
Quần áo thời trang thực chất là sự phù hợp giữa thời gian, không gian và hoàn cảnh. Quá sớm sẽ là lố, quá muộn sẽ là tẩm. Tuy nhiên, lố và tẩm không phải là bản chất của trang phục mà chỉ là trạng thái của thời gian. Một chiếc áo dù hợp thời trang đến bao nhiêu cũng chỉ là chiếc áo quê mùa khi thời của nó đã đi qua. Tương tự, hoàn cảnh và không gian cũng tác động không nhỏ đến quần áo. Bạn không thể mặc áo dài khi xuống tắm biển, cũng như không thể mặc bikini (quần áo bơi) khi đi viếng chùa. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người đi viếng cảnh chùa lại ăn mặc rất hở hang, phản cảm.
Đành rằng đi chùa quan trọng là cái tâm hướng Phật nhưng trang phục cũng là điều cần chú ý. Nhiều người đi chùa với tâm thế khá cởi mở. Giờ đây, kinh tế mở cửa, chính vì thế mà cách ăn mặc của họ cũng có phần cởi mở. Vâng, quả là bây giờ người ta ăn mặc... “thoáng” quá, “cởi mở” quá, nhất là giới trẻ. Nhiều lần đi chùa, chúng tôi cũng thấy nhiều cô cậu thanh niên ăn mặc áo quần quá ngắn, quá te tua. Thừa biết ở những nơi đó cần sự tôn nghiêm, lịch sự mà chính các bảng nội quy ở mỗi nơi đã “nhắc” mọi người là “không mặc đồ ngắn vào chùa”, song các nam nữ thanh niên này vẫn rất hồn nhiên cho thế là đẹp, là... thời trang.
Nhiều người nhìn ngắm vào các phần hở hang quá mức trên cơ thể họ (có thể do không hài lòng hay ngưỡng mộ) nên khiến họ tưởng mình mặc như vậy là đẹp, là thời trang, được chiêm ngưỡng nên càng tỏ ra hãnh diện. Vẫn biết rằng, hiện nay xu hướng thời trang rất thoáng... miễn sao mặc cảm thấy đẹp là được. Thế nhưng, mỗi người nên tự biết rằng mình mặc thế nào là đẹp và nên xuất hiện ở đâu. Trang phục không chỉ toát lên vẻ đẹp hình thức, mà còn thể hiện vẻ đẹp về văn hóa, tri thức của người sử dụng nó. Đã đến chùa là tìm đến sự thanh thản, bình an, nhưng nhiều người lại cho rằng đi chùa cũng chỉ là đi chơi nên trang phục cũng không khác gì đi quán bar hay điểm vui chơi nhảy nhót với bạn bè.
Đã vậy, nhiều người lại không ý thức được quần áo mình quá ngắn, quá hở hang nên cứ vô tư quỳ lạy, cúng vái làm nhiều người khác phải e thẹn mà quay đi để không phải cảm động như các quan Tây khi nhìn cô Tuyết. Chợt chạnh lòng về nhiều người vẫn chưa hiểu hết nét văn hóa chốn linh thiêng này cũng như chính phông văn hóa của bản thân mình.
So về độ hở hang, nước ta không thể vượt trội các nước phương Tây. So về thời trang “thiếu vải”, chúng ta không thể hơn Thái Lan, thế nhưng ở những nước này họ lại ý thức được chuyện ăn mặc của mình. Tùy nơi, tùy chỗ mà hở hang hay kín đáo. Ở nhiều nước phương Tây hay Thái Lan, bạn không thể vào chùa, nhà thờ hay cung điện Hoàng gia, đền đài… khi mặc áo ngắn tay và quần trên đầu gối . Có lẽ đã đến lúc phải tiếp thu văn hóa và cách ứng xử có văn hóa ở nơi linh thiêng của các quốc gia này.
Cuối cùng, chúng tôi cũng chỉ nhắc lại câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng cần phải nói lại. Đó là khi đi chùa, thì nên mặc áo Tràng (hoặc áo dài truyền thống của người Việt Nam), nếu không có thì mặc áo quần dài ống, áo có tay nhằm thể hiện sự kín đáo, trang nghiêm và lịch sự. Không nên mặc áo ngắn tay để hở nách, quần cụt... vì ăn mặc cũng chính là thể hiện tư cách của một con người có đạo đức, văn minh và tiến bộ.