Số lượng truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 9


Hôm nayHôm nay : 1257

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 4144

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 2935893

Giới thiệu

Đôi nét về giáo sư Cao Ngọc Lân

ĐÔI NÉT GIỚI THIỆU VỀ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ CAO NGỌC LÂN Họ và tên:                 CAO NGỌC LÂN           Giới tính: Nam Ngày, tháng, năm...

Giao su Cao Ngoc Lan

Trang nhất Bài viết» Văn hóa»

ĐÔI ĐIỀU VỀ XUẤT HÀNH, HÁI LỘC ĐẦU NĂM

Thứ bảy - 17/01/2015 17:54
“Xuất hành” là đi ra khỏi nhà trong ngày đầu năm để tìm cái may mắn cho mình và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày, giờ và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần… Hái lộc đầu xuân là một trong những phong tục ngày Tết ở Việt Nam. Ở vào thời khắc giao thừa và ngày Tết, dân chúng có tục lệ đi hái lộc đầu xuân và đến đình chùa xin lộc, xin được ban ơn và cầu phúc cầu tài. Nhận dịp Tết đến, Xuân về, xin gửi tặng bạn đọc bài viết về xuất hành, hái lộc.

1. Xuất hành đầu năm Ất Mùi  
          "Xuất hành" là đi ra khỏi nhà trong ngày đầu năm để tìm cái may mắn cho mình và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày, giờ và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần… 
1.1 Giờ xuất hành
Theo quan niệm của người xưa, giờ lúc ra đi phải được giờ Hoàng đạo, nếu hợp với tuổi của người xuất hành thì càng tốt, không được kỵ, không được khắc. Nếu chẳng may kỵ hay khắc, có thể còn gặp xui.      
Giờ xuất hành: chọn giờ Hoàng Đạo, không kỵ tuổi mình, nếu hợp tuổi thì càng tốt. 
- Giờ Tị (9 - 11h sáng): kỵ tuổi Hợi, hợp tuổi Sửu - Thân - Dậu.
- Giờ Thân (15 - 17h): kỵ tuổi Dần, hợp tuổi Tý - Thìn - Tị. 
- Giờ Tuất (19 - 21h): kỵ tuổi Thìn, hợp tuổi Dần - Ngọ - Mão.    
- Giờ Hợi (21 - 23h): kỵ tuổi Tị, hợp tuổi Dần - Mão - Mùi.
Khởi hành vào giờ Ngọ (11-13h) cũng tốt: kỵ tuổi Tý, hợp tuổi Dần - Tuất – Mùi.
1.2 Hướng xuất hành      
Chọn hướng trước khi xuất hành hoặc đi xa là điều cần thiết. Chọn được hướng theo mong muốn (cầu tài, cầu phúc...) của chuyến xuất hành, ta sẽ được như ý, vì mỗi hướng có một thần giám sát một tính chất công việc theo từng ngày (quan niệm từ xưa của người Á Ðông). Mỗi ngày có 3 Vị Thần giám sát ở ba hướng chính, trong đó có thần tốt và thần nghiêm khắc khó tính. Hướng gặp Tài Thần thì Tốt; Hướng gặp Hỉ Thần thì Tốt; Hướng gặp Hạc Thần thì Xấu:
Hướng xuất hành Hỷ Thần và Tài Thần là những thần tốt. Những ngày ấy đi về hướng đó sẽ tốt cho ý đồ của bạn. Căn cứ vào từng ngày sau đây để tìm hướng xuất hành đầu năm mới. Người ta vẫn thích xuất hành về hướng Hỷ Thần, là vị thần mang lại nhiều may mắn và niềm vui. Còn hướng Tài Thần người ta ít thích với lý do là chỉ có tài lộc mà thôi. Những ngày ấy đi về hướng đó sẽ tốt cho ý đồ của bạn. Mọi người sau khi xuất hành và hái lộc đầu năm để “triệu điềm may mắn” đầu năm xong, mới thực hiện đến các việc khác như đi trực cơ quan, đi thăm bà con họ hàng hai bên nội ngoại.
Năm Ất Mùi có những ngày sau đây cần lưu ý:
Mùng 1: Tốt. Nên xuất hành, đi lễ chùa, hội họp, khai bút.
Giờ tốt: Tỵ, Mùi, Tuất, Hợi.
Huớng tốt: Cầu duyên đi về Nam, Cầu tài đi về phương đông.
Những tuổi kỵ: Bính, Tân, Sửu, Mậu, Kỷ.  
Mùng 2: Rất Tốt. Rất lợi cho xuất hành, mở hàng xuất kho, đi lễ chùa, hội họp.
Giờ tốt: Sửu, Thìn, Tỵ, Mùi, Tuất. 
Huớng tốt: Cầu duyên đi về Đông Nam, Cầu tài đi về phương Bắc.  
Những tuổi kỵ dùng: Nhâm, Dần, Đinh, Bính.  
Mùng 3: Rất Xấu. Nên đi lễ chùa, không nên khai trương hoặc làm việc đại sự, nên đi thăm hỏi họ hàng gần, hội họp, vui chơi.
Giờ tốt: Tý, Mão, Mùi.
Hướng tốt: Cầu duyên đi về Đông Bắc, cầu tài đi về phương chính Nam.
Những tuổi kỵ dùng: Nhâm, Quý, Mão, Dậu, Bính, Đinh.
Mùng 4: Tốt. Nên đi thăm hỏi họ hàng, lễ chùa, hội họp vui chơi.
Giờ tốt: Thìn, Tỵ, Thân.
Hướng tốt: Cầu duyên đi về Tây Bắc, cầu tài đi vềTây Nam.
Những tuổi kỵ dùng: Giáp, Thìn, Mùi, Kỷ, Mậu.  
Mùng 5: Bình thường. Hạn chế làm những việc đại sự. Nên đi chơi, lễ chùa. Có thể thăm hỏi họ hàng, làng xóm…
Giờ tốt: Sửu, Thìn, Ngọ, Mùi, Tuất, Hợi.
Cầu duyên và cầu tài đi về phương Tây Nam.
Những tuổi kỵ dùng: Giáp, Ất, Tỵ, Hợi, Mậu, Kỷ.
Mùng 6: Rất tốt. Nên khai trương, xuất hành, mở kho, đi lễ chùa, hội họp, thăm hỏi họ hàng.
Giờ tốt: Sửu, Mão, Mùi, Thân.
Hướng tốt: Cầu duyên đi về chính Nam, cầu tài đi về chính Tây.
Những tuổi kỵ dùng: Bính, Mão, Ngọ, Tân, Canh.
Mùng 10: Rất tốt. Nên xuất hành, khai trương cửa hàng, cưới hỏi, đi thăm hỏi họ hàng, lễ chùa, hội họp vui chơi…
Giờ tốt: Tỵ, Thân, Dậu, Hợi.
Hướng tốt: Cầu duyên đi về phương Tây Nam, cầu tài đi về chính Đông.  
Những tuổi kỵ dùng: Canh, Thìn, Tuất, Giáp, Ất.  
2. Hái lộc đầu năm
Hái lộc đầu xuân là một trong những phong tục ngày Tết ở Việt Nam. Ở vào thời khắc giao thừa và ngày Tết, dân chúng có tục lệ đi hái lộc đầu xuân và đến đình chùa xin lộc, xin được ban ơn và cầu phúc cầu tài. 
“Lộc” có 2 nghĩa, nghĩa thứ nhất là nhánh cây non và nghĩa thứ  2 là bổng lộc. 
2.1 Nghĩa thứ nhất  
Trong “hái lộc đầu xuân”, lộc là 1 mầm non bé bỏng vừa nhú ra từ thân cây, từ nách lá. Nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người Việt còn có tục bẻ lấy một “cành lộc” để mang về nhà lấy may, lấy phước. Đó là tục “hái lộc”. Cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si… là những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc thường đem về cắm ở bàn thờ.  
Theo tục người xưa, đầu năm, dân chúng thường ghé lại các cây cổ thụ trong sân đình, chùa để hái một  nhánh non đem về treo trước nhà hoặc chưng trên bàn thờ để hy vọng rước được phước lộc về cho gia đình. 
2.2 Nghĩa thứ hai tài lộc - tiền bạc
Trước hết, “hái” trong cụm từ “hái lộc” không chỉ có nghĩa là tay người ngắt từ cành cây một đóa hoa, một quả ngọt hoặc một nhánh non vừa mới nhú. Từ “hái” khi được ông bà ta ghép với từ “lộc” mang một ý nghĩa rất nhân bản, qua đó, tiền nhân muốn gởi gắm cho con cháu một ý nghĩa về giáo dục rất sâu xa. Đó là đạo lý nhân quả rất đơn giản trong cuộc sống hằng ngày “có làm thì mới có ăn”, “tay làm hàm nhai”… rất phổ biến trong văn học dân gian Việt Nam. Vì vậy, “hái lộc” về mặt nhân văn chứa đựng một đạo lý hết sức tinh tế, đó là những điều may mắn, điều mà ta ước mơ, mong cầu. Điều mong ước đến với chúng ta, ước muốn tốt đẹp đầu xuân ta gặp được như một sự ban tặng của thiên nhiên, của đất trời, của Phật trời. Khi điều ước muốn ấy đã đủ duyên, tức đã hội đủ sự giao cảm giữa tâm và vật, giữa nhân duyên và kết quả. Ngày nay các nhà Chùa đã phát lộc đầu năm cho các phật tử khi đến vãn cảnh chùa đầu năm bằng những bao lì xì màu đỏ bên trong là những tờ tiền mệnh giá nhỏ. Người nhận được bao này tức là phật tử đã nhận lộc đầu năm.
2.3 Đem tài lộc về nhà
Trong hái lộc đầu năm có nhiều gia đình tự mình đem tài lộc về nhà bằng một cách rất nhân văn đó là khi đi lễ chùa đầu xuân họ đem theo bánh kẹo, bao lì xì đến chùa đặt lên ngôi Tam bảo, thắp hương khấn vái xin lộc sau đó lấy những bao lì xì, bánh kẹo đó mang về nhà  phát lộc, lì xì cho người thân đầu năm mà không cần phải vặt lá bẻ cành, triệt hạ cây cỏ.
3. Những loại cây hoa mang lại tài lộc trang trí ngày tết
Để mang lại Tài lộc, mọi gia đình đều bố trí những loại cây được phong thủy xem là cát tường, mang lại sinh khí trong nhà ở. Có thể hệ thống trong một số bộ cây chính sau:
Bộ tứ linh: đa – sung – sanh – si, vốn là những cây lâu năm, dáng đẹp, rễ bám bền chắc và cành lá xum xuê. Những cây này hay được uốn theo các thế truyền thống thể hiện tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ bao la.
Bộ tứ quý: mai – lan – cúc – trúc, tương ứng theo bốn mùa trong năm, hoặc là tùng – trúc – cúc – mai tượng trưng cho tuổi thanh xuân và khí tiết của con người, trong đó tùng và trúc có dáng vươn cao tượng trưng cho nam tử trượng phu, còn cúc – mai tươi đẹp mềm mại tiêu biểu cho nữ nhi hiền thục.
Bộ tam đa: gồm có cây sung sai quả (hoặc cây đa) ở dạng bonsai tượng trưng cho phúc. Cây lộc vừng hoặc phát tài tượng trưng cho lộc. Cây bách tuế, thiên tuế hay vạn tuế, vạn niên tùng, sống đời… tượng trưng cho thọ.
Trúc thanh mảnh nhã nhặn, sen cẩn trọng thanh tịnh. Cây bụi thấp ở phía trước phù hợp với việc tạo cảnh quan nhà ở.
Ngoài ra còn một số loại cây khá được ưa chuộng bởi những tên gọi mang ý nghĩa may mắn, hướng đến nhiều mong ước của các gia chủ. Có thể kể đến cần thăng (mong muốn thăng tiến), đỗ quyên, trạng nguyên (đỗ đạt, học giỏi), kim ngân, kim quýt (tài lộc dồi dào), đào, mai, hồng (duyên tình tươi thắm), hướng dương, cúc vàng (đón ngày mới, ấm áp tự tin). Hoa sen thanh tịnh và nhất là sen Phật Bà tượng trưng cho lòng thành kính hướng thiện. Các loại hoa cắt cành ngoài hoa hồng, phong lan thì cát tường thì mang ý nghĩa may mắn, hanh thông mọi việc hoặc thiên điểu với ý nghĩa tượng trưng cho sự phóng khoáng, bay nhảy cũng được ưa chuộng.
 4.  Đôi điều suy nghĩ về hái lộc đầu năm (Chúng tôi sẽ trình bày cụ thể trong một bài viết khác)
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự lạm dụng và hiểu nhầm ý nghĩa tượng trưng tục hái lộc đầu xuân có thể gây ra sự phá hoại môi trường sinh thái. Lộc chỉ đẹp và mang đến cho ta niềm hy vọng, sự yêu đời khi ta biết nâng niu. Vào sân chùa bẻ cả 1 cành mai không phải là hái lộc (thậm chí có người còn quan niệm cành càng to, lộc càng nhiều). Rước 3 thẻ nhang về nhà cũng không phải là hái lộc mà có khi còn gây tai nạn cho người chạy xe phía sau. Lộc không phải là những vật thể rõ ràng và dễ chiếm hữu như thế. Đại Việt sử ký toàn thư, trang 225 có viết: Năm 1126, vua xuống chiếu cấm nhân dân mùa xuân không được chặt cây. Từ thực tế hái lộc đầu xuân đang diễn ra, chúng ta thấy luật này của vua Lý đã đạt đến độ chân - thiện - mỹ. Rõ ràng quy luật của cây cối là mùa xuân cây đâm chồi nẩy lộc. Mùa hạ trưởng thành kết trái, mùa thu thu hoạch cất giữ, mùa Đông cây tàn  lá  rụng để chuẩn bị cho một mùa xuân cây nẩy lộc mới.
Nhận thức và quan niệm của một số người dân thì phong tục hái lộc đầu xuân bị hiểu sai, dẫn đến tình trạng nhiều người thi nhau hái theo kiểu “Vặt trụi” rồi trèo lên cây hái những cành lộc thật to lớn, quan niệm hái được cành lộc càng to thì tài lộc đến càng nhiều… Vì vậy, những cây xanh tốt trong chốn thâm nghiêm đình, chùa đặc biệt là ở những thành phố lớn, chỉ sau đêm giao thừa, cây cối đã trở nên xơ xác, tàn trụi và gẫy nát. Thật không hay chút nào! Nhiều nơi để hạn chế người dân đi hái lộc, chính quyền phải huy động lực lượng an ninh đứng tại khu vực có cây xanh để tuyên truyền khách du xuân không nên hái lộc một cách bừa bãi.
Chặt cây cối trong mùa xuân là tử hình sự sống, tử hình mùa xuân. Nhìn cây cối có chồi non, lộc biếc, ra hoa, nở nụ, chúng ta nên nghĩ luật này tượng trưng cho quyền thiêng liêng nhất của con người: quyền của sự sống trên sự chết, sự sống của mình nơi sự sống của người khác, nơi sự sống của mọi vật xung quanh. Và trong thời khắc giao thừa thiêng liêng, trong sự tịnh tâm nhìn lại mình, sân chùa và vườn cây cho ta nguồn hy vọng bất tận về tương lai. Đó là Lộc.
Lúc sinh thời Bác Hồ từng nói:
“Mùa Xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”.
Học theo lời Bác chúng ta cần thay đổi lại cách hái lộc Xuân như hiện nay, thay vào đó hãy trồng thật nhiều cây xanh hơn nữa, như vậy mùa Xuân càng trở nên ý nghĩa và vui tươi. Không biết những cành lộc có mang lại nhiều tài lộc, nhiều may mắn cho gia chủ hay không nhưng những việc làm thiếu ý thức của con người đã làm hủy hoại chính môi trường sống, cảnh quan và không gian sống xung quanh chúng ta. Hái lộc là phong tục ngàn đời của dân tộc ta, là nét văn hóa truyền thống không dễ gì bỏ được nhưng chúng ta cần thay đổi cách hiểu, cách làm và những quan niệm sai lệch về việc hái lộc đầu năm mới, có như vậy niềm vui sẽ càng thêm trọn vẹn hơn trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
                               
 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn