Số lượng truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 2


Hôm nayHôm nay : 1305

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 4192

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 2935941

Giới thiệu

Đôi nét về giáo sư Cao Ngọc Lân

ĐÔI NÉT GIỚI THIỆU VỀ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ CAO NGỌC LÂN Họ và tên:                 CAO NGỌC LÂN           Giới tính: Nam Ngày, tháng, năm...

Giao su Cao Ngoc Lan

Trang nhất Bài viết» Tâm linh»

NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ RỒNG

Thứ năm - 07/08/2014 18:13
Rồng, ra đời ngay từ buổi bình minh của lịch sử loài người nên cả phương Đông và phương Tây đều có biểu tượng rồng. Vì thế, con rồng, với ý nghĩa đặc biệt, đã thâm nhập vào khắp lĩnh vực văn hoá cổ truyền cả ở phương Đông lẫn phương Tây. Người xưa xem rồng là đấng tối cao, có nhiều quyền phép. Vậy người thời nay nghĩ gì về rồng. Có thực sự là rồng tồn tại hay chúng chỉ đơn giản được tưởng tượng trong thế giới tinh thần? Tác giả trích bài viết trong sách “12 con giáp trong âm dương ngũ hành” (Sách tham khảo) của Đồng tác giả Cao Ngọc Lân - Cao Vũ Minh, Nxb. Lao Động, năm 2012, trang 98.

1. Hình tượng Rồng trong các tác phẩm văn học
Trong truyện Tây Du Ký, con bạch mã (ngựa trắng) mà Tam Tạng cưỡi đi Tây phương thỉnh kinh là do một con tiểu long (rồng nhỏ) biến thành. Con tiểu long này vốn là Thái tử con của Bắc Hải Long vương Ngao Nhuận, phạm tội nặng, bị bắt treo lên chờ xử trảm. May nhờ Đức Quan Âm Bồ Tát đi ngang, tiểu long van xin cứu mạng. Đức Quan Âm Bồ Tát thương tình, tâu xin Ngọc Hoàng tha chết cho tiểu long để sau này phò Tam Tạng thỉnh kinh. Nhờ công lao thỉnh chân kinh, bạch mã được biến trở lại thành rồng, trở về Long cung.
Long Nữ là con gái của Đệ tam Thái tử của Nam Hải Long vương Ngao Thuận, ngày kia hóa thành con cá dạo chơi trên biển. Đang lúc vui đùa thì bị vướng vào lưới của một ngư dân. Người này bèn đem cá ra chợ bán, Đức Quan Âm Bồ Tát biết được, sai Thiện Tài đồng tử hóa ra một người thường, đi đến chợ mua con cá ấy, rồi đem xuống biển Nam thả. Nam Hải Long vương nhớ ơn Bồ Tát cứu tử cháu nội gái của mình, nên bảo Long Nữ mang ngọc Dạ Minh Châu đến dâng tặng Bồ Tát để Bồ Tát đọc sách ban đêm không cần đèn. Long Nữ đến dâng ngọc, lòng hết sức cảm phục Bồ Tát nên xin qui y và được Bồ Tát nhận làm đệ tử. Từ ấy, Thiện Tài đồng tử và Long Nữ luôn luôn theo bên cạnh để phụng sự Bồ Tát[1].
Như vậy, là rồng, với ý nhĩa đặc biệt, đã thâm nhập vào khắp lĩnh vực văn hoá cổ truyền cả ở phương Đông lẫn phương Tây. Người xưa xem rồng là đấng tối cao, có nhiều quyền phép. Vậy người thời nay nghĩ gì về rồng. Có thực sự là rồng tồn tại hay chúng chỉ đơn giản được tưởng tượng trong thế giới tinh thần?
2. Những con rồng ở Trung Quốc
Tạp ký về huyện Nghĩa từ Triều đại Nhà Thanh viết như sau: Vào năm 1503 sau Công Nguyên (Triều Minh, năm thứ 16 đời Hồng Di), năm con rồng đã bay lượn trên không trung khoảng 10 lý (3 dặm) phía bắc huyện Nghĩa, tỉnh Hà Nam. Sau một thời gian lâu ở trên cao, chúng hạ xuống mặt đất và không thể bay lên được nữa. Mây kéo đến đầy trời và mặt biển bị khuấy tung lên. Một vị thần trong trang phục màu xanh từ trên trời đáp xuống và ngay lập tức được vây quanh bởi những con rồng đã rớt xuống. Một lúc sau, mây tản hết và biển trở nên yên tĩnh. Năm con rồng vẫn chưa thể bay lên. Bấy giờ, một vị thần màu xanh khác xuất hiện và những con rồng vây quanh ông ta. Đột nhiên bầu trời trở nên tối mịt. Những đám mây đen lớn xuất hiện. Cuối cùng khi bầu trời sáng trở lại, hai vị thần và năm con rồng đã bay đi.
Ký sự về Thiên triều Gia Tĩnh, phần Những hiện tượng kỳ lạ và hiếm thấy cũng có một câu chuyện tương tự về huyện Nghĩa. Vào tháng 10 năm 1588 sau Công nguyên, một con rồng trắng đã nổi lên trên Hồ Bình thuộc huyện Bình Hồ, tỉnh Triết Giang. Nó đã bay lượn trên mặt hồ, chiếu sáng một nửa bầu trời với ánh sáng đỏ. Một vị quan chép sử cho vương triều, đã nhìn thấy một vị thần với trang phục màu tía và một cái mũ bằng vàng, đứng trên cao chừng 30m, giữa những cái sừng của con rồng. Vị thần này cầm một vật có hình cây kiếm. Ở đó xuất hiện một quả cầu ánh sáng lớn như một cái đấu (một dụng cụ đo lường hình thang ở Trung Quốc) ở bên dưới cái đầu của con rồng.
“Ký sự về Thiên triều Tống Giang, Phần Những hiện tượng kỳ lạ và hiếm thấy” đã ghi chép một chứng kiến xảy ra 20 năm sau sự kiện con rồng trắng được trông thấy ở huyện Bình Hồ. Vào tháng 7 năm 1608 sau Công nguyên, một con rồng trắng tương tự như con rồng xuất hiện trên Hồ Bình đã được nhìn thấy trên sông Hoàng Phố ở huyện Tống Giang, Thượng Hải. Cũng có môt vị thần đứng trên đầu con rồng.
Ký sự về Hậu Hán Triều, Phần Ngũ tố trích dẫn sau này của Ký sự về huyện Lạc Dương, phần Hiện tượng kỳ lạ” đã chép rằng một con rồng trông thấy trên hoàng cung. Lưu Hồng, Hoàng đế của Vương Triều Đông Hán, đã xây dựng thủ đô của mình gần huyện Lạc Dương, tỉnh Hà Nam ngày nay. Cung điện Văn Minh có thể là nơi ông cư ngụ. Vào ngày 1 tháng 7 năm 178 sau Công nguyên, một vật đen khổng lồ rớt từ trời xuống vườn đông của cung điện Văn Minh. Vật thể có hình tròn và giống như mái che của xe ngựa ngày xưa. Nó dài 20m và lướt đi rất nhanh, phát ra ánh sáng. Vật thể có một cái đầu, nhưng không có chân và đuôi, Nó trông giống một con rồng.
Biên sử của Triều đại nhà Nguyên, Ký sự về Ngũ Tố viết rằng có một con rồng xuất hiện gần Long Sơn ở huyện Lâm Tùng, Tỉnh Sơn Đông vào tháng 8 năm 1190. Con rồng có thể mang một tảng đã lớn nặng 0,5 tấn bay lên không trung.
Vào năm thứ 24 của Cát An thuộc triều Đông Hán, một con rồng vàng xuất hiện trên Sông Trì Thủy của huyện Vũ Dương và nằm ở đó trong suốt 9 ngày. Cuối cùng, đền ngày thứ 10 thì nó bay đi. Một đền thờ được xây dựng và một bia đá được dựng lên trong đền thờ để chép về sự xuất hiện của con rồng.
Vào tháng 4, năm thứ nhất của Vĩnh Hà, Triều Đông Tấn (345 sau Công nguyên), hai con rồng, một con màu trắng và một con màu đen, xuất hiện ở Long Sơn. Mộ Dung, Hoàng đế nước Yên, đem các quan trong triều đến một ngọn núi và tổ chức một lễ tế cách xa chỗ hai con rồng 200 dặm.
Những cuốn sách lịch sử địa phương từ Triều Minh và Triều Thanh cũng viết về sự xuất hiện rồng. Theo Ký sự về Thiên triều Lâm An, năm 1631, một con rồng lớn đã được nhìn thấy trên Hồ Kỳ Long. Râu, chân, vảy của con rồng nổi trên mặt nước và con rồng dài khoảng vài chục mét. Rồng có thể đã xuất hiện nhiều hơn một lần ở Long Sơn (Núi Rồng) và Hồ Kỳ Long (Hồ Rồng kỳ lạ), điều này giải thích cho việc đặt tên cho những địa danh này.
Ký sự Bổ sung của Triều đại nhà Đường đã ghi chép: một con rồng đen đã rơi xuống mặt đất trong vùng lãnh thổ của tỉnh Triết Giang và chết ở đó vì một vết thương trên cổ. Chiều dài đầy đủ của con rồng đo được là 30m, trong đó 15m là đuôi. Cái đuôi hình phẳng. Vảy của nó như vảy cá. Trên đầu có 2 cái sừng. Râu của nó mọc bên cạnh miệng dài khoảng 6m. Chân của nó, mọc ra từ dưới bụng, có một cái vảy màu đỏ che phủ.
Thất Kinh Thư của Long Anh chép rằng một ngày trong năm cuối của Thành Hoá, Minh Triều, một con rồng rơi xuống trên bãi biển của huyện Tân Thuỷ, tỉnh Giang Đông. Nó đã bị những người dân chài địa phương đánh tới chết. Con rồng cao như một người lớn và dài hàng chục mét. Nó trông rất giống con rồng trong những bức tranh cổ chỉ trừ cái bụng của nó màu đỏ.
Một con rồng đã chết được tìm thấy bên bờ Hồ Thái Bạch vào năm thứ 32 của Thiếu Hưng thuộc Triều đại Nam Tống (1162 sau Công Nguyên). Nó có râu dài và những cái vảy rất lớn. Cái lưng màu đen và cái bụng màu trắng. Tay của nó mọc ra từ lưng và hai cái sừng mọc ra từ đầu. Mùi tử khí của nó bay xa hàng dặm. Những người địa phương phát hiện ra nó với một mớ rối bù. Quan lại đã cho người đến làm lễ cúng tế bên cạnh nó. Tuy nhiên, sau một đêm giông bão sấm sét, con rồng đã biến mất. Chỉ có một cái mương để lại nơi nó đã nằm.
Biên sử về Thiên triều Vĩnh Bình chép rằng, vào mùa hè năm thứ 19 của Đạo Quang (1839 sau Công Nguyên), một con rồng đã rớt từ trên trời xuống vùng hạ lưu con sông Luân Hà, ở huyện Lao Đình. Con rồng nằm bất động, ruồi bọ vây quanh. Người dân địa phương làm một cái mái che cho nó để bảo vệ nó khỏi nắng và phun nước lên người nó. Ba ngày sau, sau một đêm trời dông bão, con rồng đã bay đi.
Vào tháng 8 năm 1944, hàng trăm người từ huyện Phù Du, phía bắc của con sông Tùng Hòa Giang vây quanh một con rồng đen nằm bên cạnh con sông. Nhiều người chứng kiến đến nay vẫn còn sống, họ kể rằng con rồng dài chừng 7 mét và trông giống một con thằn lằn khổng lồ. Mặt của nó giống hệt như mặt của con rồng được vẽ trong các bức tranh cổ, với 7 hoặc 8 cái râu dày và cứng. Thân trên có đường kính khoảng một bộ. Bốn cái chân của nó đi để dấu sâu trên cát. Lớp vảy như vảy cá phủ đầy thân nó. Nhiều người băn khoăn tại sao con vật khổng lồ ấy lại trông rất giống với con rồng được vẽ trong tranh.
Vào mùa hè năm 1953, một con vật chưa được nhận biết đã rớt từ trời xuống một nơi gần phía nam tỉnh Hà Nam. Những người tò mò đã đi bộ một quãng dài để đến xem. Theo sự miêu tả của những người chứng kiến, con vật trông giống một con cá mập khổng lồ. Mùi thối rữa của nó thu hút vô số ruồi nhặng. Nếu nó là một con cá mập, nó phải sống dưới vùng biển sâu. Tại sao nó lại rớt từ trời xuống? Trường hợp này có thể liên quan đến những con rồng được ghi chép trong lịch sử rớt xuống từ trời.
Ngày 31/8/2000, một trận mưa như trút nước xuống ngôi làng Hắc Sơn Tử và ngôi làng được bao phủ bởi một lớp hơi nước nóng. Đột nhiên, những đám mây dày từ bầu trời đáp xuống và cuộn dọc theo trên mặt đất. Người dân trong làng vô cùng hoảng sợ, vì họ chưa bao giờ thấy một loại thời tiết như vậy trước đó. Họ nằm im trong nhà và đóng cửa lại. Có một chàng trai trẻ dũng cảm đã bước ra ngoài xem chuyện gì đang xảy ra. Anh ta đi xuyên qua và chẳng tìm thấy gì ngoài những đám mây dày đang cuồn cuộn. Anh ta tiếp tục đi, và chẳng mấy chốc anh ta đã ở ngoài rìa làng. Đột nhiên anh ta sững sờ vì nhìn thấy cảnh tượng hai con rồng, một con màu đen và một con màu trắng, nằm trên mặt đất trước mặt anh ta. Anh ta sững sờ và không thể tin vào những gì mình thấy.
Chàng trai trẻ tiến đến gần hơn để xem cho rõ hai con rồng. Anh ta đã thấy rằng, những cái sừng, những cái vảy, những cái chân, và đuôi của hai con rồng giống hệt với những con rồng trong những bức tranh truyền thống ngoại trừ những cái râu của nó ngắn hơn. Anh ta xoay mình và chạy biến về làng hết sức có thể, và la lên: “Đi xem rồng bà con ơi, đi xem những con rồng rơi từ trên trời xuống” Cả làng đi ra ngoài để xem rồng nhưng đến nơi thì không thấy rồng đâu mà chỉ thấy hai hố sâu và dài trên đất. Nhiều người tin rằng đây là dấu tích của hai con rồng khi rơi từ trên trời xuống.
Vũ Tống là một thành phố bên cạnh sườn Tây của dãy núi Trường Bạch, Đông Nam tỉnh Cát Lâm. Nơi đây được gọi là “thành phố của Nhân Sâm”. Vào 6 giờ chiều ngày 18 tháng 9, năm 2000, một con rồng đã xuất hiện trên bầu trời của thành phố và mọi người có thể nhìn thấy nó. Vào ngày đó, vì trời trở nên tối vào buổi chiều, một chùm ánh sáng kỳ lạ đã phóng ra từ bầu trời phía đông bắc của thành phố. Càng lúc nó càng trở nên sáng hơn và sặc sỡ sắc màu. Nhiều người đã nhìn thấy ánh sáng đó và nhiều người cảm thấy như phép màu sắp xảy ra. Nó chắc chắn là một con rồng đã lộ ra. Vào lúc đầu, cái đầu được nhìn thấy, nhưng chưa có đuôi. Cuối cùng, miệng, râu, chân, vảy đã được thấy rõ ràng. Con rồng phát ra ánh sáng chói và nó uốn mình lên, rồi duỗi mình ra. Sau đó, nó cuộn mình lại rồi uốn mình về phía trước. Nó mở cái miệng ra, rồi đóng lại. Mọi người thất kinh và tắt tiếng trước cảnh tượng. Một vài người vẫn có thể lẩm bẩm “cuối cùng thì cũng có rồng thực”. Con rồng hiện hình cho thấy khoảng 20 phút. Hầu hết mọi người trong thành phố đều thấy nó, một vài người chứng kiến sự việc từ đầu tới cuối. Ánh sáng cuối cùng cũng mờ dần và con rồng từ từ biến mất[2].
Từ nhiều năm nay, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã phát hiện và nghiên cứu bộ xương hóa thạch nguyên vẹn của một con rồng với hai sừng nhọn, lỗ mũi to và hếch y hệt mô tả trong truyện cổ dân gian. Di vật quý giá này cho đến nay vẫn giữ được dáng hình nguyên vẹn với tổng cộng 7,6 mét chiều dài, trong đó đầu dài 76 cm, cổ dài 54 cm, thân dài 2,7 mét và rộng 68 cm, khúc đuôi còn lại chiếm 3,7 mét.
Đầu rồng gần giống hình trụ tam giác, riêng khóe miệng đã kéo dài đến 43 cm, phần rộng nhất có bề ngang 32 cm. Sừng nhọn nhô lên từ đỉnh đầu, mỗi chiếc dài 27 cm và rất cân xứng với nhau. Chúng hơi cong và hơi nghiêng, trông càng giống những hình ảnh được mô tả trong truyền thuyết. Rồng Trung Quốc được coi là loài bò sát sống vào kỷ Tri-át cách đây khoảng 200 triệu năm. Là động vật lưỡng cư, chúng sống chủ yếu dưới nước và thỉnh thoảng mới ngoi lên bờ. Thức ăn của chúng là cá và các loài bò sát nhỏ.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tìm thấy rồng hóa thạch có bộ sừng. Phát hiện này là chứng cớ khoa học quan trọng giúp giới khảo cổ lần tìm nguồn gốc loài rồng - một loài vật tưởng chừng chỉ có trong những tác phẩm hư cấu. Hiện những mẫu hóa thạch này vẫn đang được trưng bày tại Viện bảo tàng đời sống hóa thạch cổ đại của Thành phố Trùng Khánh (Tây Nam Trung Quốc).
3. Những con rồng biển
Đã có nhiều lời kể, hình vẽ, sách báo... của rất nhiều nhân chứng và giới nghiên cứu nói về rồng biển. Đề tài này ngày càng hấp dẫn bởi những tin tức mới, những cuộc săn lùng rồng biển quy mô lớn, bởi sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học và phương tiện truyền thông hiện đại. Tất cả đều mong sớm làm sáng tỏ sự thực về một loài vật kỳ lạ và bí ẩn... Những sự kiện được ghi nhận như sau:
Tại Ấn Độ Dương, ngày 2/12/1968, khi bay ở độ cao 30m cách mặt biển, hai phi công Liên Xô Ivan Djouss và Fedor Dolienko bỗng thấy một quái vật khổng lồ dài hơn 10m, đường kính thân gần 1m đang bơi ngoằn ngoèo. Vài phút sau, họ lại thấy quái vật thứ nhì có hình dáng tương tự.
Vào một buổi sáng đẹp trời tháng 1/1984, anh kỹ sư máy tàu Jim Thomson vừa câu được một con cá ở cách Vancouver (Canada) 5 hải lý thì đột nhiên cách tàu anh chừng 60m nổi lên một con vật hình rắn dài chừng 8m, mõm đen nhọn, tai to, trên đầu có những chiếc sừng khá đẹp. Con vật nhìn anh giây lát rồi nhào lộn rất nhanh xuống nước.
Trên đây chỉ là 2 trong hàng trăm trường hợp được coi là bắt gặp rồng biển. Thực ra, từ xa xưa, rồng biển đã là một đề tài phổ biến trong sinh hoạt tinh thần, văn chương, hội họa, tín ngưỡng... của cư dân miền duyên hải. Ngay cả Kinh Thánh cũng nói đến. Người Bắc Âu thậm chí còn miêu tả rồng biển có thân hình lượn sóng, dài tới 30m, đầu giống như đầu ngựa. Tuy nhiên, chỉ mấy thế kỷ gần đây, tính xác thực và hấp dẫn của đề tài này mới trỗi dậy mạnh mẽ do hàng loạt sự kiện về rồng biển được ghi nhận.
Ngày 6/8/1848, các thủy thủ chiến hạm Anh Doedalus chứng kiến trong khoảng giữa mũi Hảo Vọng và đảo Elena một con vật rất lớn hình rắn, bơi lướt trên biển, đầu ngóc hẳn lên mặt nước. 7 năm trước, ngày 31/12/1841, gần Oporto, nhóm sĩ quan tàu chiến Anh Plumper đã vẽ lại một con vật lạ và khi so sánh các bức vẽ của 2 đoàn thủy thủ, người ta thấy chúng giống nhau. Những bức vẽ sau đó của đoàn thủy thủ tàu Emogen (năm 1856) và tàu Princess (năm 1858) cũng vậy.
Trong chuyến vượt Đại Tây Dương năm 1843, thủy thủ người Tây Ban Nha Roberto Garcia khẳng định anh ta thấy một con rồng đen dài chừng 10m xuất hiện vào một buổi chiều biển động dữ dội. Thủy thủ người Anh Charlie Hoose khi qua Ấn Độ Dương vào một ngày sóng gió năm 1901 cũng thấy một quái vật khổng lồ hình giống rắn. Cả đoàn thủy thủ tàu Paulina thì quả quyết ngày 13/7/1858, họ đã chứng kiến cảnh rồng biển đánh nhau với cá voi.
Cuối cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, một chiến hạm Đức bắn chìm chiếc tàu Anh Iberian ở phía Bắc Đại Tây Dương. Theo lời viên chỉ huy và các thủy thủ Đức, sau khi tàu Anh nổ chìm dưới mặt nước, cùng với mảnh xác tàu nổi lên là một con vật hình rắn rất lớn, nó vùng vẫy mãnh liệt trong khoảng 12 - 15 giây rồi lặn mất tăm. Năm 1947, chiếc tàu Mỹ Santa Clara cũng gặp quái vật tương tự. Năm 1951, ngư dân vịnh Herios chứng kiến một con vật hình rắn dài hơn 12m, màu xanh xám, lưng có vây nhọn hoắc như vây cá tuyết và bơi rất nhanh.
Từ thế kỷ 13 đã xuất hiện những người chuyên nghiên cứu về “hiện tượng rồng biển”, nhưng chỉ từ cuối thế kỷ 19, việc nghiên cứu mới thực sự mang tính hệ thống và khoa học. Đứng đầu lĩnh vực này phải kể đến nhà bác học Jzlo Oudamans - Uỷ viên Hội Động vật học Hà Lan. Với tác phẩm Con rắn biển khổng lồ dày gần 600 trang, xuất bản năm 1892, Oudamans trình bày chi tiết, đầy sức thuyết phục về sự tồn tại của loài rồng biển. Theo ông, tới thời điểm đó, người ta đã ghi nhận được 162 lần xuất hiện của rồng biển và đã công bố 350 bài viết (dạng tường thuật, khảo cứu...) về loài vật này.
Năm 1868, xác một con “rồng biển” bị sóng đánh dạt vào bãi biển Stonsa và được bác sĩ lừng danh Barclay nghiên cứu, xem xét. Ông công bố dữ liệu về nó: thân dài 16,75m, đường kính 0,9m, có lông ở cổ, có vây bơi trông như cánh ngỗng trụi. Đáng tiếc là bản báo cáo của ông đã không được giới sinh vật học đương thời chú ý.
Năm 1899, chiếc tàu Anh Emu trên đường tới Sydney (Australia) dừng lại đảo Sawa và bắt gặp nơi đây xác một quái vật hình rắn dài 18m, nặng chừng 30 tấn, đầu giống như đầu ngựa, có răng, da đen xám phủ lông rất cứng, đang trong quá trình thối rữa. Hai tờ báo khoa học uy tín thời đó là English Mecanic và Nature đã tường thuật sự kiện này. Tuy nhiên, do cảm giác khó chịu trước đống da thịt phân hủy nên các thủy thủ đã không lấy đem về bộ phận nào của con vật để làm bằng chứng giúp cho việc nghiên cứu về rồng biển.
Ngày 13/1/1903, Hội Động vật học Pháp họp nghe báo cáo của nhà khoa học Emilio Racovitza (từng tham gia thám hiểm Nam Cực) nói về sự có thực của rồng biển. Ông bảo vệ thành công quan điểm của mình trước các đồng nghiệp và Hội Động vật học Pháp đã nhất trí đăng công bố bản báo cáo này trên tập san khoa học của Hội.
Cũng tại Pháp, năm 1968, cuốn sách “Theo vết thuồng luồng biển” của nhà động vật học nổi tiếng Bernard Evenmal - Chủ tịch Hội Nghiên cứu Động vật ẩn quốc tế - được xuất bản và lập tức gây tiếng vang lớn. Trong sách, tác giả đã dẫn ra 500 trường hợp thấy quái vật biển. Ông chia chúng thành 3 nhóm với 9 loại, trong đó một nhóm được coi là rồng biển gồm 4 loại mẫu (loại đầu bờm, loại có vây, loại giống lươn bụng vàng và loại giống thằn lằn nước).
Cùng với những sự kiện và khám phá, số người tin rồng biển có thật không ngừng tăng lên. Theo họ, đại dương mênh mông ẩn chứa nhiều động vật lạ mà giới khoa học chưa biết đến hoặc chưa có điều kiện tiếp cận kỹ càng và rồng biển là một trong số đó. Các nhân chứng đã bắt gặp, tường thuật, vẽ lại rồng biển ở nhiều vùng trên khắp thế giới và sự miêu tả của những nhân chứng khác nhau về rồng biển ở mỗi vùng lại rất giống nhau - đó là bằng cớ đáng tin cậy[3].
Ngược lại, cũng không ít người coi rồng biển chỉ là con vật huyền thoại. Theo họ, dù đã có nhiều lời kể, hình vẽ về rồng biển nhưng đến nay vẫn chưa ai bắt, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình được nó. Chưa trường hợp nào phát hiện xác rồng biển trôi dạt vào bờ mà được khám nghiệm khoa học trước sự chứng kiến rộng rãi, khách quan của phương tiện thông tin đại chúng. Những cuộc săn lùng quy mô lớn với thiết bị hiện đại yểm trợ tại những vùng nghi có rồng biển cũng đều chưa phát hiện được dấu tích gì về quái vật này. Bởi thế, việc bắt gặp rồng biển thì chỉ hoặc là do bịa đặt, hoặc do ảo giác, hoặc do nhầm lẫn với những động vật biển bình thường (cá mập, cá nhà táng, hải sư, bạch tuộc...) trong điều kiện đặc biệt mà thôi.
Các nhà khoa học và thủy sinh vật nêu quan điểm thận trọng hơn. Họ cho rằng nếu rồng biển tồn tại thực sự thì chúng có lẽ là một trong số những loài vật còn sót lại từ thời tiền sử - chẳng hạn một loài ngư long nào đó, thường sống nơi biển sâu và rất ít khi nổi lên mặt nước. Giả thuyết này dễ được chấp nhận vì trong thực tế còn không ít loài “hóa thạch sống” - như trường hợp con Ceratodus nửa cá nửa thằn lằn vẫn đang sống sót ở Australia sau khi dòng giống chúng đã tuyệt chủng cách đây hàng triệu năm, hay như loài Apterix ở New Zealand được coi là hậu duệ tí hon và biến dạng của con Moa khổng lồ vốn đã bị tuyệt diệt từ lâu. Một giả thuyết khác lại cho rằng rồng biển có thể chỉ là loài rắn biển cực lớn, vì giới khoa học đã tìm thấy hàng trăm loài rắn sống trong các đại dương thuộc họ Hydrophiidae gồm 2 giống chính Laiticanda và Aepysurus, trong đó có loài lớn và dài tới 8 - 9m. Như vậy, đến nay vẫn chưa thể khẳng định chính xác rồng biển có thật hay không. Đây cũng là một nguyên nhân làm tăng tính hấp dẫn của đề tài này, khiến ngày càng nhiều người quan tâm, háo hức chờ đón những thông tin mới và kết luận cuối cùng về nó trong tương lai.


[1] Ngô Thừa Ân, Tây Du Ký, Nxb. Thế Giới, năm 2010.
[2] Đổng Vân Nam, Sự thật về rồng, Nxb. Thanh Hoa, năm 1998.

[3] VnExpress.net, Rồng biển - huyền thoại và sự thực, ngày 9/5/2007.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn