Với những người theo Phật giáo, rằm tháng Giêng cùng với rằm tháng Tư (lễ Phật Đản), rằm tháng Bảy (lễ Vu Lan) là những ngày rằm lớn trong năm. Ông bà ta có câu: “đi chùa cả năm không bằng đi ngày Rằm tháng giêng”. Nhân ngày Rằm tháng Giêng năm Mậu Tuất sắp đến, xin gửi đến bạn đọc bài viết giới thiệu về một trong những ngôi chùa cổ, độc đáo tại Tp. Hồ Chí Minh - chùa Ngọc Hoàng.
Chùa Ngọc Hoàng (nay gọi là chùa Phước Hải), tọa lạc tại số 73, đường Mai Thị Lựu (trước kia là Phạm Đăng Hưng), gần chợ Đa Kao, thuộc phường Đa Kao, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Người Hoa gọi là Ngọc Hoàng điện, người Việt gọi là chùa Ngọc Hoàng, người Pháp gọi là chùa Đa Kao hoặc Empereur de Jade. Chùa Ngọc Hoàng được xây dựng từ năm 1892, do một người Hoa tên Lưu Minh từ Trung Quốc sang thành lập. Công cuộc xây dựng kéo dài đến năm 1906 mới hoàn tất. Sách viết về Sài Gòn xưa còn cho biết: “Lưu Minh ăn chay ròng, giữ đạo Minh Sư, lập chí quyết lật đổ nhà Mãn Thanh, xuất tiền tạo lập chùa vừa để thờ phượng vừa để làm nơi hội kín...”. Từ ngày thành lập đến nay, điện Ngọc Hoàng đã qua bốn lần trùng tu vào các năm 1943, 1958, 1985, 1986. Năm 1982 chùa gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam với hòa thượng Thích Vĩnh Khương chủ trì, mới đổi tên thành Phước Hải Tự, nhưng dân gian vẫn quen gọi là chùa Ngọc Hoàng.
Đây là một trong những ngôi chùa cổ của cộng đồng người Hoa tại Nam Bộ. Chùa thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, các vị Bồ Tát, các vị Thần thể hiện sự kết tinh tư tưởng chủ đạo của Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo, nhưng về sau chủ yếu theo tư tưởng Đạo Phật. Họa tiết sử dụng nhiều nhất là các điển tích Trung Quốc được cách điệu hóa bằng những đường nét tinh tế, điêu luyện, phối hợp hài hòa giữa kỹ thuật thủ công và nghệ thuật trang trí. Một trong những giá trị nghệ thuật tiêu biểu của chùa Phước Hải là nghệ thuật tạc tượng bằng giấy bồi hiếm có thể hiện qua 57 pho tượng còn được lưu giữ trong chùa. Các pho tượng được tạo tác rất công phu từ nếp áo, dáng vẻ, tư thế đứng ngồi đến nét mặt, vầng trán rộng, đôi mắt sáng… phản ánh nhiều sắc thái tình cảm, mô tả sinh động cuộc họp mặt của chư vị “thần thánh” về chầu Ngọc Hoàng. Nghệ thuật tạc tượng bằng giấy bồi nay đã thất truyền, các pho tượng có tuổi thọ hàng trăm năm này đang được bảo tồn, gìn giữ như những báu vật.
Khuôn viên chùa Ngọc Hoàng khá rộng. Phía trước có ngôi miếu nhỏ đặt tượng Long Thần Hộ Pháp. Nóc miếu trang trí hình lân, miệng ngậm ngọc. Trên cùng nóc miếu có hình nụ sen. Cổng tam quan nổi bật với những đường nét uốn lượn hình sóng nước của hai con rồng theo tư thế “lưỡng long tranh châu”. Trong sân chùa Ngọc Hoàng, có hai hồ nuôi cá và rùa - nơi Phật tử và khách vào viếng chùa có thể phóng sinh cá và rùa.
Chùa Ngọc Hoàng có tổng cộng trên 300 tượng thờ, được phân bố trong ba gian thờ. Gian ở giữa liền với cổng vào là gian thờ các bậc thiên tướng và Ngọc Hoàng, theo thứ tự từ ngoài vào trong gồm có:
- Thổ địa (bên trái cửa vào), Môn Quan thần (bên phải cửa vào).
- Lối giữa bước vào trung điện thờ Phật Dược sư Lưu Ly Quang Vương Phật - tượng Phật duy nhất bằng gỗ trầm đặt trong lồng kính, ở giữa chánh điện. Hai bên lối vào chánh điện là hai pho tượng lớn, cao hơn người thật, đó là tượng Phục Long đại tướng (bên trái) và Phục Hổ đại tướng (bên phải). Hai pho tượng này được tạo tác tinh xảo bằng giấy bồi.
- Cung Ngọc Hoàng thờ Ngọc Hoàng Thượng đế ở giữa, cung thờ Chuẩn Đề Vương Bồ Tát bên phải và cung thờ Bắc Đế, tức Huyền Võ hay còn gọi là Bắc Phương Trấn Võ ở bên trái. Tượng tạc ông trong tư thế ngồi, chân đạp lên hai con vật: chân phải là rùa, chân trái là rắn. Hai vật này được quan niệm là tượng trưng cho tà ma, yêu quái. Tượng thể hiện cảnh Bắc Đế đã chế ngự được chúng. Bắc Đế còn được xem là vị thần trấn giữ phương Bắc của cõi trời, đứng đầu việc thay đổi mùa màng và cầu mưa.
- Ở gian thờ Ngọc Hoàng có sáu pho tượng chính: bên phải gồm ba vị, ở giữa là Quan Phu Tử (chủ về việc võ) và hai bên là Thiên Tướng và Thiên Thần. Ngoài ra, còn có các tượng thờ khác như: Nam Tào, Bắc Đẩu, Hoa Đà Tiên Sư, Tề Thiên Đại Thánh, Quan Thánh Đế Quân, thần Nhật, thần Nguyệt, Long Mẫu nương nương, Tứ Đại kim quang, Thái Ất chân nhân, Hòa thượng Đạo Minh, Khuyến thiện đại sư, hai quan văn, hai quan võ, hai đồng tử, ông bà Thiên Lôi cùng bảy thiên tướng... Hầu hết các tượng thờ ở đây đều bằng gỗ và giấy bồi. Riêng tượng của Ngọc Hoàng là pho tượng ngồi lớn nhất trong chùa (cao hơn 3m), đầu đội mũ bình thiên, tay cầm lịnh tiễn. Khuôn mặt tượng Ngọc Hoàng hình chữ điền, hai má cao và rộng, có bốn chòm râu tỏa dài xuống ngang vai, mắt trong tư thế mở nhưng không thấy rõ tròng mắt, mũi dài và to. Ngọc Hoàng mặc áo choàng rộng, hai tay áo phủ tận đến các ngón tay, áo được chạm nối dính liền vào tượng với kỹ thuật sơn son thếp vàng tinh xảo làm nổi bật đường nét trang trí trên thân áo với một con rồng uốn lượn.
- Gian bên trái từ ngoài vào, theo thứ tự từ trước ra sau và có những hương án với các tượng thờ sau:
- Gian đầu tiên thờ Kim Hoa thánh mẫu và mười hai bà mụ. Đặc biệt bộ tượng 12 mụ bà bằng gốm Sài Gòn rất đẹp, được sản xuất vào đầu thế kỷ 20. Đây là nơi các gia đình hiếm muộn con cái thường lui tới cầu tự.
- Gian tiếp theo là Thập Điện Diêm Vương, với mười bức chạm gỗ với cảnh mười cửa ngục phân bổ đều mỗi bên vách năm bức. Nối liền gian Thập Điện với gian Kim Hoa thánh mẫu, có các tượng thờ như: Quan Âm, Kim Đồng, Ngọc Nữ, Địa Tạng Vương Bồ tát (biểu tượng cho sự giải thoát khỏi chốn âm ty địa ngục), Hoạt Vô Thường, Tư Mạng sứ quân.
Thần Tài: trang phục đồ tang, biểu tượng mang hết sự rủi ro vào mình và ban phát tài lộc cho nhân gian. Tượng đứng cuối gian Thập Điện, tay cầm một cái rổ đựng các gói giấy đỏ bọc mảnh giấy nhỏ ghi hai chữ Hán “Tài Thần” bên trong để khách hành hương xin lộc.
- Gian nối liền với gian Thập Điện có các tượng thờ như: Nhị Vị song án, Mã tướng quân, Thành Hoàng Lỗ Ban và Thái Tuế.
- Gian cuối cùng (hiện không còn cho khách vào chiêm bái) gồm hai hương án thờ Thạch Cẩm Đương (tục thờ đá của người Hoa) và thờ Ông Tà (tục thờ đá của người Khmer).
Bên phải gian thờ Ngọc Hoàng là phòng khách của chùa, sau phòng này có cầu thang lên lầu. Tầng lầu là nơi thờ Phật, có thờ Quan Thánh Đế Quân, Quan Thế Âm Bồ tát, Hộ Pháp, Tổ Lưu Minh - người sáng lập ra chùa, La Hán. Đây là cơ sở lớn nhất, cổ xưa nhất của người Hoa ở thành phố đặt thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế. Phong cách thờ tự trong điện cũng cho thấy rõ nhân sinh quan và vũ trụ quan của người Hoa khá rõ nét: có cõi Phật, cõi Trời, cõi Âm... Ngày vía Ngọc Hoàng là mùng 9 tháng Giêng âm lịch được gọi nôm na là vía Trời. Ngoài ra, còn có các ngày vía như mùng 6 tháng 11 âm lịch (kỷ niệm ngày Ngọc Hoàng bắt đầu tu), rằm tháng Giêng, tháng 7, tháng 10... Chùa yên tĩnh lại linh thiêng nên khách thập phương lui tới cúng bái không dứt từ sáng đến tối.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nơi đây còn là cơ sở cách mạng do hòa thượng Thích Vĩnh Khương tổ chức nuôi dấu cán bộ, nơi ém quân. Chùa Phước Ân (Quận Bình Thạnh) cũng là điểm do hòa thượng lập thêm để tránh bị Mỹ - Ngụy phát hiện. Với những đóng góp cho cuộc cách mạng và những giá trị về kiến trúc - nghệ thuật của điện thờ, của các pho tượng bên trong, Điện Ngọc Hoàng đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật theo quyết định số 2754 QĐ/BT ngày 15-10-1994.