Trong “Chiếu dời đô”, Thái Tổ Lý Công Uẩn đã từng chỉ rõ mục đích của việc dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long vì “Thăng Long ở vào nơi trung tâm trời đất; được thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”. Thông qua bài viết, chúng tôi muốn phân tích dưới góc độ phong thủy về vấn đề này. Chúng tôi trích đoạn viết về "Thăng Long – Kinh đô muôn đời" trong sách Phong thủy theo quan điểm của người xưa, của Đồng tác giả Cao Ngọc Lân - Cao Vũ Minh, Nxb. Lao Động, năm 2012, tr.187 - 196.
THĂNG LONG - KINH ĐÔ MUÔN ĐỜI (Phần 1)
1. Sơ lược về thành Đại La
Từ khi Lý Nam Đế thành lập nước Vạn Xuân (544), ông đóng đô ở cửa sông Tô Lịch là ngôi thành đắp bằng đất. Sau đó, nhà Đường đóng đô hộ phủ ở Tống Bình (Hà Nội), Lý Nguyên Gia cho đắp thành ở cửa sông Tô Lịch. Đến năm 864, Cao Biền tiến hành xây dựng thành Đại La và trấn yểm thần sông Tô Lịch. Năm 1009, Lý Công Uẩn đi kinh lý tìm kinh đô mới. Khi đến Đại La thì thấy rồng vàng bay lên và được Tô Lịch đại vương báo mộng nên ông quyết định dời đô về đây và lấy tên là Thăng Long. Kể từ đó, các triều đại Việt Nam hầu hết đóng đô Thăng Long. Đến năm 1400, khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, dời dô về Thanh Hóa chỉ tồn tại 7 năm thì mất nước về tay nhà Minh. Sau khi giành được độc lập, Lê Lợi lại tiếp tục đóng đô ở Thăng Long. Từ năm 1778, triều đại Tây Sơn không đóng đô ở Thăng Long mà đóng đô ở Bình Định và Phú Xuân. Rốt cuộc, triều Tây Sơn chỉ tồn tại 24 năm. Khi triều Nguyễn dời đô về Phú Xuân thì cũng chỉ vững mạnh được 65 năm. Sau đó trở thành một nước lệ thuộc và bị thực dân Pháp đô hộ. Từ năm 1945 đến nay, Thủ đô lại trở về Thăng Long xưa. Đất nước ngày càng giàu mạnh.
2. Quá trình thành lập kinh đô Thăng Long
Đất Thăng Long xưa có con sông tên là Tô Lịch. Ven sông này lại có làng mang tên là làng Tô Lịch. Sông Tô Lịch và cả tên làng Tô Lịch ngày nay đều không còn nữa, nhưng trong sử sách, con sông ấy, ngôi làng ấy lại được nhắc đến khá nhiều. Điều đáng nói là tên sông và tên làng này lại có nguồn gốc từ tên của một con người: ông Tô Lịch, người sống vào khoảng cuối thế kỷ thứ III đầu thế kỷ thứ IV, sau được tôn làm thần và được phong tới hàm Quốc đô Thăng Long Thành hoàng Đại vương (vị Đại Vương là Thành hoàng của kinh đô nước nhà là Thăng Long). Tô Lịch sinh thời từng làm quan ở Long Đỗ, tiên tổ cư ngụ ở đó đã lâu đời, dựng làng bên bờ một con sông nhỏ. Gia đình của Tô Lịch lấy sự thanh bạch và hòa thuận, hiếu thảo làm trọng, ba đời cùng nhân nhượng mà ở chung với nhau, không chút riêng biệt. Thời nhà Tấn đô hộ, triều đình xét những nhà có hiếu, gia đình Tô Lịch được khen thưởng. Gặp năm mất mùa đói kém, nhà Tô Lịch sẵn lòng cho dân vay thóc, triều đình lại ban khen, nhân đó, cho lấy hai chữ Tô Lịch làm tên làng.
Theo Đại Việt sử lược: Thành Đại La được xây dựng vào thế kỷ 7 có tên là Tống Bình. Năm thứ 2 niên hiệu Trường khánh (Nhâm Dần -822 ), Đời vua Đường Mục Tông, niên hiệu Trường Khánh năm thứ ba (tức là năm 823), Lý Nguyên Gia được sai sang làm quan đô hộ nước ta. Lý Nguyên Gia thấy phía Bắc thành Thăng Long có dòng nước chạy ngược, địa thế rất xinh đẹp, bèn cắm đất xây thành, dời phủ trị đến đó và sai thầy bói gieo một quẻ. Thầy bói gieo quẻ xong và nói rằng:
“Sức ông không đủ để bồi đắp thành lớn, 50 năm sau, có một người họ Cao đóng đô tại đây mà xây dựng Vương phủ”.
Thành có nhiều cửa, phía trong có nhiều dinh thự. Phủ trị này dựng trên nền nhà cũ của Tô Lịch. Lý Nguyên Gia sai giết trâu bò, mở tiệc mời các bậc kỳ lão trong làng tới dự, nhân đó, hỏi chuyện về Tô Lịch, có ý muốn thờ Tô Lịch làm Thành hoàng. Mọi người thuận theo, cùng nhau xây dựng một ngôi đền rất tráng lệ. Lễ khánh thành được tổ chức nhộn nhịp khác thường. Đêm hôm đó, Lý Nguyên Gia nằm nghỉ, chợt thấy có trận gió mát thổi vào, bức mành lay động, có một người cưỡi con hươu trắng từ trên không xuống, râu tóc bạc phơ, áo quần lịch sự, bước đến nói với Lý Nguyên Gia rằng:
- Cảm ơn sứ quân đã tôn tôi làm Thành hoàng đất này. Nhân đây, tôi xin khuyên sứ quân rằng:
“nếu ngài hết lòng dạy dỗ cho dân cư trong thành thì mới là người xứng chức và có lòng nhân chính”. Lý Nguyên Gia chắp tay vái tạ và xin vâng rồi dò hỏi họ tên nhưng cụ già không đáp. Lý Nguyên Gia giật mình thức giấc và mới biết đó là mộng
[1]. Tới đời vua Đường Y Tôn (841 - 873), Vua Đường đổi An Nam thành Tĩnh Hải, phong cho Cao Biền làm Tiết Độ Sứ. Cao Biền trị dân có phép tắc nên được kính phục gọi tôn lên là Cao Vương. Cao Biền cho đắp lại thành Đại La với bốn mặt cao hơn 2 trượng ở bờ sông Tô Lịch, bốn mặt có đường đê bao bọc dài hơn 2.000 trượng, cao 1, 5 trượng, dày 2 trượng. Trong thành cho dân làm nhà hơn 400.000 nóc. Cao Biền là một con người đa hiệu: vừa là một vị tướng, vừa là một nhà phù thủy, một đạo sĩ, cũng là một nhà phong thủy có tài. La Thành được Cao Biền sửa chữa, chỉnh đốn lại cho hợp phong thủy vào các năm: 866, 867, 868. Sách Việt Nam sử lược viết: “Tục lại truyền rằng Cao Biền thấy bên Giao Châu ta lắm đất đế vương, thường cứ cưỡi diều giấy đi yểm đất, phá những chỗ sơn thủy đẹp và hại mất nhiều long mạch của nước Nam. Sau đó, Cao Biền cũng xây thành Đại La”.
Một hôm, Cao Biền ra chơi ngoài cửa Đông của thành, chợt thấy trong chỗ mây mù tối tăm, có bóng người kỳ dị, mặc áo hoa, cưỡi rồng đỏ, tay cầm thẻ bài màu vàng, bay lượn mãi theo mây. Cao Biền kinh sợ, định lấy bùa để trấn yểm thì trên cao có tiếng nói vọng xuống:
“Ta là tinh anh ở Long Đỗ, nghe tin ông đắp thành nên đến để hội ngộ, việc gì mà phải trấn yểm?”
Cao Biền lấy làm kỳ lạ, bèn lấy vàng, đồng và bùa chôn xuống để trấn yểm. Chẳng dè, ngay đêm đó mưa gió sấm sét nổi lên dữ dội, sáng ra xem, thấy vàng, đồng và bùa trấn yểm đều đã tan thành cát bụi. Cao Biền sợ hãi, bèn lập đền thờ ở ngay chỗ ấy và phong cho thần là Long Đỗ, nhờ đó mà công viêc xây dựng thành mới có thể hoàn tất.
Khi Lý Công Uẩn đi kinh lý tìm nơi đóng đô đến thành Đại La thì thấy rồng vàng bay lên trước mũi thuyền nên ông quyết định đóng đô ở đây và đổi tên Đại La thành Thăng Long (rồng bay lên).
Kinh thành đại thể được giới hạn bằng ba con sông: mặt Đông là sông Hồng; mặt Tây, mặt Bắc là sông Tô Lịch; mặt Nam là sông Kim Ngưu. Kinh thành chia 2 phần:
Hoàng Thành nằm trong lòng kinh thành, gần Hồ Tây nơi có cung điện hoàng gia và chỗ thiết triều, cấm thành nơi ở của hoàng gia gọi là Long thành. Điện Kiền Nguyên là điện chính nơi vua làm việc, hai bên tả hữu là điện Tập Hiền, Giảng Vũ. Bên trái mở cửa Phi Long thông với cung Nghinh Xuân. Bên phải mở cửa Đan Phượng thông với cửa Uy Viễn. Chính Bắc dựng điện Cao Minh, đằng sau là cung Thúy Hoa nơi các cung phi ở. Bao bọc các cung điện là một bức tường thành bảo vệ gọi là Long Thành với 10 cấm quân canh gác ngày đêm.
3. Thần Bạch Mã giúp xây thành Thăng Long
Khi Lý Thái Tổ cho xây thành Thăng Long, nhưng cứ gần xong thì thành lại sụp lở. Vua sai người ra đền Long Đỗ để cầu đảo. Chợt thấy một con ngựa bạch từ trong đền đi ra, bước một vòng quanh thành, sau đó trở vào đền và biến mất. Vua theo dấu chân ngựa mà đắp thành. Quả nhiên thành xây xong. Vua cho xây đền thờ, gọi là đền Bạch Mã và phong là Quảng Lợi Bạch Mã Tối Linh Thượng Đẳng thần. Đó cũng chính là thành hoàng của Thăng Long
[2]. Thành sắp xong vua cho xây cung điện. Các cung điện đều làm bằng gỗ, lợp ngói ống. Có đầu bịt ngói hình rồng, hình phượng, hình hoa sen, tạo thành một diễm mái mỹ lệ trước lầu rồng gác phượng. Ngoài một số cung điện, còn một số lầu gác hai ba tầng. Từ xa đã thấy cung điện vua cao đến bốn tầng. Trong hoàng thành, khu vực được bảo vệ đặc biệt gọi là cấm thành. Đây là nơi dành cho vua, hoàng hậu, các cung nhân mỹ nữ ở. Xung quanh có vườn hoa, cây trái và một số ao hồ, có cầu bắc qua là nơi dạo cảnh.
Ở đất Long Đỗ, Lý Công Uẩn cho xây đền thờ một con chó bằng đá và dùng tượng con chó này để trấn yểm đất Thăng Long. Tương truyền khi Lý Công Uẩn dời dô về Thăng Long năm Canh Tuất, có một con chó từ Đình Bảng (Bắc Ninh) chạy về và làm ổ sinh con trên một hòn đảo ngay giữa hồ Trúc Bạch. Nhận thấy đây là điềm lành nên ông cho xây đền thờ. Sau này, đền này đổi tên là đền Tiên Nữ
[3].
4. Thăng Long - kinh đô muôn đời
* Một đại long mạch của thế giới
Kinh đô Thăng Long nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, bằng phẳng và cao ráo. So với các tỉnh đồng bằng chiêm trũng của Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Hà Tây thì Thăng Long – Hà Nội nằm ở giữa trục đường thẳng là đỉnh Everet (cao 8848 mét) – Hà Nội – vịnh Midanô (Philipine) (sâu 10.800 mét). Ba điểm này đều cách nhau 2800 km. Trước mặt Thăng Long là đồng bằng, xa hơn nữa là đảo Hải Nam có diện tích 30.000 km
2 làm Án sơn, phía bắc và đông bắc là các dãy núi cao 2000 mét chạy dài từ cao nguyên Vân Nam như một con rồng trườn xuống biển Đông, tạo ra hàng ngàn hòn đảo nhỏ che chắn mặt đông bắc. Những bộ xương của rồng là các dãy núi vòng cung Bắc Sơn, Ngân Sơn, Sông Gâm, Đông Triều, tất cả các dãy núi này đều hướng về Thăng Long – đây chính là tay thanh long. Dãy Tam Đảo ở phía bắc kéo dài, ôm lấy Hà Nội, phía tây nam là núi Tản Viên như phụ mẫu sơn che chở Hà Nội. Các dòng sông cũng theo thế núi hướng bắc nam dẫn mạch về trung tâm Hà Nội. Phía tây bắc là dãy Hoàng Liên Sơn đồ sộ và các cao nguyên Sơn La, Lai Châu hùng vĩ đóng vai huyền vũ, làm gối dựa cho Hà Nội. Năm dòng sông lớn là sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Gâm, sông Chảy dẫn nước theo hướng tây bắc – đông nam tạo thành thế tích thủy. Phía Tây Nam là các cao nguyên và núi đá vôi của vùng Hòa Bình và Ninh Bình che chở và ôm lấy Hà Nội – đây là tay bạch hổ kéo dài đến dãy Tam Điệp. Thanh long, bạch hổ, huyền vũ đều cách trung tâm Hà Nội từ 60 – 80 km
[4].
Với thế đất này, nhà phong thủy Tả Ao có viết: “Thiên sơn vạn thủy triều lai, can chi bát quái trong ngoài tôn vinh”. Thế phong thủy của Thăng Long – Hà Nội quả như một chiếc ngai gấm chúng ta phải chấp nhận một sự thực là: Vùng đất từ đầu nguồn sông Tô Lịch kéo dài đến Cổ Loa - Đông Anh là một vùng đất có địa tầng địa chất không ổn định. Ta cũng cần phải nhớ rằng: núi Tản viên nằm ở hướng Tây Hà Nội. Mặt khác phía Tây và Tây Bắc của La Thành là một vùng núi non trùng điệp của các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu…
Theo định nghĩa của môn Phong Thủy, long mạch xuất phát từ những rặng núi cao. Núi mà từ đó khởi nguồn Long mạch gọi là Tổ sơn. Ngoài ra Long mạch còn xuất phát từ những khu vực khác gọi là Thiếu sơn. Ta cũng biết rằng thiên khí từ trên trời luôn có tính chất giáng xuống, các đỉnh núi cao là những nơi tiếp thu sinh khí. Sinh khí từ trong vũ trụ ngưng tụ thành mây theo mưa xuống các đỉnh núi ngấm vào lòng đất, đem theo sinh khí từ cây cỏ chạy trong lòng đất tạo thành mạch khí. Từ những phân tích trên, ta cảm nhận được rằng có một long mạch rất lớn bắt nguồn từ núi Tản Viên và các rặng núi phía Tây, Tây bắc của Thành Đại la kéo dài qua thành Đại La theo dọc sông Tô Lịch (khí thường đi theo nước), chạy qua khu vực Hồ Tây bây giờ (Hồ Tây trước kia là một khúc của dòng sông Hồng ), sau đó sang tới tận địa phận Cổ Loa - Đông Anh – Hà Nội và còn theo hướng Đông, Đông Bắc đi tiếp. Long mạch này còn kéo dài tới dãy Yên Tử và theo hướng Đông Bắc tới tận Quảng Ninh. Đây chỉ là nhánh thanh long của đồng bằng Bắc Bộ. Với thế phong thủy này tạo cho Thăng Long trở thành một quý địa mà không một thủ đô nào trên thế giới hội đủ các tiêu chí núi chầu, sông tụ. Chính kinh đô này là vùng địa linh vì khí thiêng sông núi từ khắp ba vùng bắc, tây, nam đều đổ về Thăng Long. Bên cạnh đó, Thăng Long còn đón dương khí từ biển Đông tràn vào nên Thăng Long là nơi hội tụ hài hòa khí âm dương, sản sinh cho đất nước nhiều nhân kiệt, đưa đất nước ta sánh vai các cường quốc năm châu. Trong bản tấu “Cao Biền tấu thư địa lý kiểu tự”. Cao Biền đã diễn ca đất Thăng Long như sau:
Thăng Long đệ nhất đại huyết mạch (Đất Thăng Long là đất đế vương quý nhất)
Giao châu hữu chi địa (đất Giao Châu có một ngôi đất).
Thăng long thành tối hùng (thăng long cực kỳ hùng mạnh).
Tam hồng dẫn hậu mạch (ba con sông lớn dẫn hậu mạch, tiếp khí cho mạch là sông Thao, sông Lô, sông Đà).
Song ngư trĩ tiền phương (hai con cá dẫn đường, chính là bãi Phúc Xá ngoài sông Hồng).
Tản lĩnh trấn Kiền vị (núi Tản Linh trấn tại phương Kiền – Tây Bắc).
Đảo sơn đương Cấn cung (núi Tam Đảo giữ phương Cấn - Đông bắc).
Thiên phong hồi Bạch hổ (nghìn ngọn núi quay về Bạch hổ).
Vạn thủy nhiễu Thanh long (muôn dòng nước từ ba con sông Thao, sông Lô, sông Gâm đều tụ lại tại nga ba Việt Trì, chảy về nhiễu Thanh Long).
Ngoại thế cực trường viễn (thế bên ngoài rất rộng và xa, tất cả cá núi non trên suốt mạch sông Hồng từ Việt Trì đến Ninh Bình đều chầu về).
Nội thế tối sung dung (thế bên trong rất mạnh mẽ, đầy đặn).
Tô giang chiếu hậu hữu (sông Tô Lịch dẫn mạch từ phía sau, bên phải).
Nùng sơn cư chính cung (núi Nùng đóng tại chính cung).
Chúng sơn giai củng hướng (tất cả núi non đều hướng về rất đẹp).
Vạn thủy tận chiều tông (là nơi tận cùng, hợp lưu của mọi dòng nước từ thượng nguồn dẫn khí mạch về).
Vị cư cửu trùng nội (là nơi ở của vua chúa (cửu trùng), đất làm kinh đô).
Ức niên bảo tộ long (có thể bền vững tới 10 vạn năm).
Cầu kỳ Hổ bất bức.
Mạc nhược trung chi đồng.
Ngoài thế phong thủy trên, thăng Long còn được các vị thánh thần bảo vệ vòng ngoài và vòng trong rất kỹ lưỡng.
(Đón xem tiếp Phần 2)
[1] Dẫn theo Việt Điện u linh.
[2] Đại Việt sử ký toàn thư – Tập 3.
[3] Theo Đài truyền hình Việt Nam VTV1 ngày 17/10/2010 lúc 8g.
[4] GS.TS Cao Ngọc Lân, Bàn về Kinh đô các triều đại Việt Nam, Tạp chí Lịch sử (Khoa Sử học – Đại học Quốc tế Thành Công, Đài Loan), số 1/2011.