Số lượng truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 8

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 6


Hôm nayHôm nay : 1227

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 4114

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 2935863

Giới thiệu

Đôi nét về giáo sư Cao Ngọc Lân

ĐÔI NÉT GIỚI THIỆU VỀ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ CAO NGỌC LÂN Họ và tên:                 CAO NGỌC LÂN           Giới tính: Nam Ngày, tháng, năm...

Giao su Cao Ngoc Lan

Trang nhất Bài viết» Lịch sử»

MỘT SỐ GIAI THOẠI VỀ VUA TỰ ĐỨC

Thứ tư - 22/01/2020 06:29
Người kế nghiệp Thiệu Trị là vua Tự Đức. Tự Đức tên đặt theo đế hệ là Hồng Nhậm, sinh ngày 25 tháng 8 năm Kỷ Sửu (1829), ông là con thứ hai của Thiệu Trị. Hồng Nhậm nhân hiếu, thông minh, chăm học, được vua cha rất yêu quý vì bảo có nhiều tính giống mình. Vua Thiệu Trị có ý truyền ngôi cho Hồng Nhậm nên thường gọi Hồng Nhậm vào chầu riêng để dạy bảo. Tháng 10 năm Đinh Mùi (1847), Hồng Nhậm lên ngôi ở điện Thái Hòa, lấy niên hiệu là Tự Đức. Lúc đó ông mới 19 tuổi. Chúng tôi giới thiệu bài viết “MỘT SỐ GIAI THOẠI VỀ VUA TỰ ĐỨC” trong sách “Tìm hiểu về các triều đại Việt Nam” của GS.TS. Cao Ngọc Lân - TS. Cao Vũ Minh do Nhà xuất bản Lao Động phát hành năm 2011.
 
Người kế nghiệp Thiệu Trị là vua Tự Đức. Tự Đức tên đặt theo đế hệ là Hồng Nhậm, sinh ngày 25 tháng 8 năm Kỷ Sửu (1829), ông là con thứ hai của Thiệu Trị. Hồng Nhậm nhân hiếu, thông minh, chăm học, được vua cha rất yêu quý vì bảo có nhiều tính giống mình. Vua Thiệu Trị có ý truyền ngôi cho Hồng Nhậm nên thường gọi Hồng Nhậm vào chầu riêng để dạy bảo. Tháng 10 năm Đinh Mùi (1847), Hồng Nhậm lên ngôi ở điện Thái Hòa, lấy niên hiệu là Tự Đức. Lúc đó ông mới 19 tuổi.
            Tự Đức có thể trạng ốm yếu nên luôn phải sống tại cung điện Huế. Mỗi năm hai lần đi nghỉ hè và nghỉ đông ở cửa biển Thuận An. Suốt đời vua chỉ đi xa một chuyến. Đó là vào năm 1842, khi ông 13 tuổi phò vua cha Thiệu Trị ra Bắc nhận lễ thụ phong của nhà Thanh ở Thăng Long. Chính vì sức khoẻ kém nên khi lên ngôi, sứ thần sang nhà Thanh phải biện luận khó khăn để buộc sứ nhà Thanh phải vào Phú Xuân làm lễ phong vương cho Tự Đức. Có những lần đích thân vua phải đứng làm chủ tế nhưng mệt lại phải sai Xuân thọ công Miên Định hoặc An phong công Hồng Bảo làm thay. Cũng chính vì lẽ đó mà vua ít thị sát dân tình, thình hình ngày càng trở nên quan liêu, mệnh lệnh. Nhưng bù lại sự yếu kém về sức khoẻ, Tự Đức lại rất thông minh và có tài văn học. Vua thích nghiền ngẫm kinh điển Nho giáo, xem sách đến khuya. Tự Đức là một trong những người uyên thâm bậc nhất thời đó và là một học trò xuất sắc của đạo Khổng sân Trình. Vì sùng đạo Nho nên Tự Đức rất có hiếu. Khi mới lên nối ngôi, Tự Đức đã làm tang vua cha cực kỳ cẩn thận, trang trọng, tốn kém. Vua từng truyền rằng:
            - Sửa sang tang nghi là việc lớn, dẫu hợp cả tài lực của bốn bể năm châu cũng chưa dám cho là xa xỉ.
            Vua cũng rất có hiếu với mẹ là Từ Dũ. Vua tự quy định ngày lẻ thì thiết triều còn ngày chẵn thì vào thăm mẹ. Như vậy, mỗi tháng vua ngự triều 15 lần, thăm mẹ 15 lần. Khi đến với mẹ thì vua sửa mình, nén hơi, quỳ xuống hỏi thăm sức khoẻ rồi cùng mẹ bàn luận kinh sách và chính sự. Từ Dũ – mẹ của Tự Đức là người thuộc nhiều sử sách, biết nhiều chuyện cổ kim. Hễ nghe mẹ nói gì là vua ghi ngay vào sổ nhỏ gọi là Từ huấn lục. Trải 36 năm ở ngai, vua duy trì đều đặn việc vào thăm mẹ chỉ trừ lúc đau yếu. Chuyện kể rằng Tự Đức rất thích đi săn. Một hôm rảnh việc, vua đi săn tại vườn Thuận Trực. Gặp lúc trời mưa lũ nên không về kịp giỗ vua cha Thiệu Trị. Từ Dũ sốt ruột sai người đi đón. Thuyền ngự về đến bến thì trời mưa to nhưng nhà vua liền ngồi kiệu trần đi thẳng vào cung lạy mẹ xin chịu tội. Từ Dũ ngồi xoay mặt vào trong, không thèm nói nửa lời. Tự Đức lấy roi dâng lên trát kỷ rồi tự nằm xuống xin chịu đòn. Từ Dũ thấy thế tha cho, Tự Đức mới đứng dậy.
Vua Tự Đức rất thích văn thơ, nhà vua đã sáng tác được nhiều bài thơ rất hay. Những tác phẩm của nhà vua có nội dung phong phú thể hiện kiến thức, khả năng thơ của ông: Ngự chế thơ văn, Thập điều, Tự học diễn ca, Luận ngữ diễn ca… Dưới thời vua Tự Đức cũng có rất nhiều vị quan nổi tiếng là văn hay, chữ tốt như Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Hàm Ninh, Nguyễn Công Trứ, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương... Vua Tự Đức cũng đã từng tự hào ca ngợi:
Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán
Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường[1]
Dù bận trăm công ngàn việc nhưng lúc rỗi rảnh, vua Tự Đức lại thả hồn vào thơ ca và đối đáp. Cả cuộc đời ông là một chuỗi tháng ngày hòa quyện giữa chính sự và thơ ca.
Một hôm nọ, vua Tự Đức mở tiệc chiêu đãi hàng trăm quan văn võ triều đình. Vua vừa ăn, vừa nói chuyện thơ phú vui vẻ. Bỗng nhà vua nhăn nhó kêu lên:
- Trẫm cắn phải lưỡi đau quá! Các khanh hãy lấy đó làm đề tài sáng tác một bài thơ. Ai làm nhanh và hay nhất thì được thưởng.
Các quan tuân mệnh và bắt đầu làm thơ. Một lúc sau, thủ khoa Nguyễn Hàm Ninh (người làng Trung Ái, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình), đỗ Giải nguyên trường Thừa Thiên năm Tân Mão (1831) - vốn là người hay chữ, ứng đối nhanh, giỏi thơ phú, đứng dậy xin phép được dâng đọc bài thơ tứ tuyệt chữ Hán. Vua cho phép, tất cả lắng nghe ông Thủ khoa lấy giọng đọc bài thơ:
Nguyên tác                                                 Bản dịch
Sinh ngã chi sơ, nhĩ vị sinh                       Ta ra đời trước, chú chưa sinh
Nhĩ sinh vi hậu, ngã vi huynh                   Chú phận làm em, ta làm anh
Đồng thời cộng hưởng trân cam vị           Ngọt bùi chẳng nghĩ cùng chung hướng
Hà nhẫn tương vong cốt nhục tình            Cốt nhục mà sao nỡ đứt tình?
 
Cả vua Tự Đức và tất cả các quan đều vỗ tay khen bài thơ thật hay. Thực hiện lời hứa, vua Tự Đức ban thưởng cho bốn lạng vàng (mỗi câu thơ hay được thưởng một lạng vàng) nhưng nhà vua nghĩ đến nghĩa bóng của bài thơ và phán:
- Lời thơ rất tuyệt nhưng ý thơ rất ác (ám chỉ việc Tự Đức giết anh trai là Hồng Bảo vì ngai vàng) nên phải chịu phạt, mỗi câu thơ bị đánh một roi.
Thế là, Thủ khoa Nguyễn Hàm Ninh làm một bài thơ hay ứng với hoàn cảnh của vua Tự Đức nên vừa được nhận thưởng bốn lạng vàng và phải bị bốn roi nhớ đời.
Một lần khác, vua Tự Đức lại cùng các quan lại có chuyến đi thuyền làm thơ. Khi bàn đến chuyện “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” thì vua quay lại hỏi một viên quan:
            - Nếu ta bảo ngươi chết, ngươi có dám chết không?
            Viên quan trả lời:
            - Thần xin vâng lệnh
            Tự Đức lại bảo:
            - Vậy ngươi nhảy xuống nước chết cho ta xem
            Không biết làm cách nào khác, viên quan đó bèn nhảy ùm xuống hồ. Mọi người vô cùng thương tiếc cho vị quan xấu số ấy. Một lúc sau, thấy vị quan ngoi lên khỏi mặt nước. Vua cho kéo lên bờ và hỏi:
            - Sao ngươi bảo dám chết vì ta mà lại không dám làm?
            Viên quan ấy thưa rằng:
            - Thần vừa nhảy xuống dưới nước thì gặp cụ Khuất Nguyên. Cụ trừng mắt nhìn thần và mắng rằng: “vua của ta là Sở Hoài Vương không tốt nên ta mới phải trầm mình ở sông Mịch La, còn vua của nhà ngươi thì anh minh sáng suốt, tại sao ngươi lại trầm mình ở đây”. Thế rồi cụ cầm gậy đánh đuổi thần lên đây.
            Vua biết vị quan ấy nói dối nhưng lại có ý khen mình nên bật cười và tha cho.
            Tự Đức lấy vợ từ năm 14 tuổi, sau đó còn lấy thêm 103 vợ nữa nhưng mãi đến năm 35 tuổi vẫn chưa có con. Mặc dù nhà vua đã chạy chữa, cầu tự khắp nơi, thậm chí nhà vua còn lấy một số phụ nữ đã qua một đời chồng, có con nhưng vẫn “vô hậu”. Nhà vua phải nuôi lấy ba người con của anh mình làm con nuôi.
 
 
 
 


[1] Hai câu thơ ca ngợi tài văn chương, học rộng, hiểu nhiều của Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương còn hơn cả những nhà thơ nổi tiếng đời Hán, đời Đường bên Trung Quốc như Lý bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn