Số lượng truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 4

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 3


Hôm nayHôm nay : 1159

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 4046

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 2935795

Giới thiệu

Đôi nét về giáo sư Cao Ngọc Lân

ĐÔI NÉT GIỚI THIỆU VỀ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ CAO NGỌC LÂN Họ và tên:                 CAO NGỌC LÂN           Giới tính: Nam Ngày, tháng, năm...

Giao su Cao Ngoc Lan

Trang nhất Bài viết» Lịch sử»

MỘ TỔ CỦA VUA CHÚA NHÀ NGUYỄN

Thứ tư - 12/08/2015 16:20
Theo lịch sử, triều Nguyễn có 9 đời chúa và 13 đời vua. Khởi nghiệp Chúa là Nguyễn Hoàng (1524-1613) tục gọi là Chúa Tiên. Ông là con thứ 2 của An Thành Hầu Nguyễn Kim, bậc công thần đã giúp nhà Lê Trung Hưng. Khi Nguyễn Kim bị một hàng tướng của nhà Mạc đánh thuốc độc chết, rồi anh là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm là anh rể ám hại vì sợ họ Nguyễn tranh quyền, Nguyễn Hoàng lo ngại mới cho người ra Hải Dương hỏi ý kiến Trạng Trình và được chỉ bảo bằng lời nói ngụ ý xa xôi: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”.
1. Sơ lược về dòng họ Nguyễn
            Tiên tổ các chúa Nguyễn là Nguyễn Công Duẩn, người Gia Miêu, huyện Tống Sơn, Thanh Hóa, theo Lê Lợi định thiên hạ, có công làm tới Bổng thần vệ tướng quân, Gia Định hầu và được tặng chức Thái bảo Hoằng quốc công. Con của Nguyễn Công Duẩn là Đức Trung, làm Điện tiền chỉ huy sứ đời vua Nhân Tông. Đức Trung có công cùng với Nguyễn Xí giết nghịch đảng Nghi Dân, lập Lê Thánh Tông lên ngôi vua. Ông làm quan tới Đô đốc Trinh quốc công và có nhiều công lao trong việc đánh Chiêm Thành. Con gái ông là Tiệp Dư lấy vua sinh được Thái tử, sau này là vua Lê Hiển Tông. Khi ông mất, được tặng Thái úy Trinh quốc công. Khi Lê Hiển Tông lên ngôi, tôn mẹ làm Trường lạc thái hậu và rất hậu đãi họ ngoại. Chính vì vậy, số người họ Nguyễn làm quan tại triều lên đến hơn 200 người. Khi Lê Uy Mục lên ngôi thì đuổi hết những người này về làng. Con Trinh quốc công là Văn Lãng, tinh thông thao lược, giỏi thiên văn, có sức mạnh địch được muôn người. Lúc bấy giờ, Văn Lãng làm thủy quân chỉ huy sứ đóng giữ thành Tây Đô. Văn Lãng thấy Lê Uy Mục vô đạo nên tập hợp binh sĩ ở phủ Thanh Hóa và tôn Giản Tu Công Oánh – tức Lê Tương Dực lên ngôi. Sau khi giết được Lê Uy Mục, Văn Lãng được phong Thái úy Nghĩa quốc công. Con của Văn Lãng là Nguyễn Hoàng Dũ làm đến Đô đốc An hòa hầu. Nguyễn Hoàng Dũ cũng là người văn võ song toàn, đã từng đánh thắng Trần Cảo. Sau đó, Nguyễn Hoàng Dũ và Trịnh Tuy mâu thuẫn nên đánh lẫn nhau. Vua Lê Chiêu Tông phải mời Mạc Đăng Dung về, Nguyễn Hoàng Dũ đem binh về Thanh Hóa, sau đó thì mất. Con Nguyễn Hoàng Dũ là Nguyễn Kim, làm Hữu điện tiền tướng quân. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê thì Nguyễn Kim đem hai con tránh sang Ai Lao đồng thời tìm con cháu nhà Lê để khôi phục nhà Lê.
            2. Ngôi mộ tổ nhà Nguyễn
            Khi cuộc chiến tranh Nam Bắc triều vào giai đoạn khắc nghiệt thì Nguyễn Kim bị hạ độc. Cả hai vợ chồng Nguyễn Kim đều chết năm 1545. Mộ được táng ở núi Triệu Tường huyện Tống Sơn tỉnh Thanh Hóa. Tương truyền rằng lúc đó huyệt mở miệng rồng, khi đặt hai quan tài xong thì cửa huyệt khép lại. Phút chốc thì mưa to gió lớn nổi lên, mọi người sợ hãi bỏ chạy tan tác. Lúc tập hợp lại thì thấy núi đá liên tiếp, cây cối um tùm (bây giờ gọi là động đất), tìm không thấy mộ nữa nên sau này khi tế lễ chỉ trông vào núi mà lễ rồi cho xây lăng tượng trưng gọi là lăng Trường Nguyên[1]. Đây là ngôi mộ Thiên táng. 
Khi chết được Thiên táng hay Địa táng một cách ngẫu nhiên thì con cháu có cơ hội phát tích làm Đế Vương, công hầu, khanh tướng. Trường hợp Nguyễn Kim - thân phụ của Nguyễn Hoàng là một ví dụ điển hình. Nhờ chôn ở phần đất tốt mà nhà Nguyễn phát phúc được 9 đời Chúa, 13 đời Vua. Bên cạnh đó, do dòng họ Nguyễn nhiều đời giúp các vua nhà Lê giữ vững ngai vàng, sau đó dựng nghiệp khôi phục lại nhà Lê. Công đức ấy rất lớn nên con cháu được hưởng lâu dài. Đó là do phần âm đức đã tích lũy từ nhiều đời nên con cháu nhà Nguyễn càng ngày càng vượng mà không cần “tầm Long trích Huyệt” (truy tìm long mạch). Triệu Quang – một nhà phong thủy học Trung Quốc có viết: “Vô phúc cho ai không có nhân duyên mà được huyệt tốt. Dẫu cái tốt, xấu của Phong thủy Huyệt mộ ảnh hưởng đến cát hung nhưng Âm đức của con người có thể cải biến được vận mạng. Đến như các bậc Tiền bối Phong thủy như Cao Biền, Quách Phác tài giỏi kinh thiên động địa, nhưng khi gặp huyệt Đế Vương cũng không thể dành cho mình, vì biết đạt Địa lợi, nhưng Thiên thời và Nhân hòa còn khuyết nên không dám nghĩ bàn (thiên tích đức, nhi hậu tầm)[2].
            Nguyễn Kim có hai người con trai là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng. Nguyễn Hoàng, ngư­ời Gia Miêu ngoại trang, Tống Sơn, Hà Trung, Thanh Hoá, sinh tháng 8 năm Ất Dậu (1525), là con trai thứ hai của Nguyễn Kim.
            Năm Canh Tí (1540) Nguyễn Kim đem quân về chiếm Nghệ An. Năm Nhâm Dần (1542) Nguyễn Kim ra Thanh Hóa cùng với vua Lê chiếm lại Tây Đô, sự nghiệp trung hưng nhà Lê do tay Nguyễn Kim tạo dựng buổi đầu đang có kết quả rất tốt. Năm Ất Tị (1545), Nguyễn Kim bị hàng tư­ớng nhà Mạc là D­ương Chấp Nhất đầu độc chết, thọ 78 tuổi.  Quyền hành từ đó rơi vào tay Trịnh Kiểm, con rể của Nguyễn Kim. Khi Nguyễn Kim chạy sang Ai Lao thì Nguyễn Hoàng mới lên 2 tuổi, đ­ược Thái phó Nguyễn Ư­ Dĩ nuôi dạy nên ng­ười. Lớn lên, Nguyễn Hoàng làm quan cho triều Lê, tư­ớc phong đến Hạ Khê hầu, từng đem quân đánh Mạc Phúc Hải, lập công lớn. Nhà Lê phong cho Nguyễn Hoàng chức Đoan quận công.
             Trịnh Kiểm là anh rể của Nguyễn Hoàng, muốn thâu tóm quyền hành nên loại bỏ uy thế các con Nguyễn Kim vì hai con của Nguyễn Kim đều có tài năng xuất sắc. Sợ bị tranh giành địa vị sau này nên sau khi Nguyễn Kim chết, Trịnh Kiểm giết luôn Nguyễn Uông chỉ vì một lỗi lầm nhỏ. Nguyễn Hoàng lo sợ Trịnh Kiểm tìm cách hại mình nên cho người đến tìm Nguyễn Bỉnh Khiêm để tìm kế sách lâu dài. Trạng Trình không trả lời cụ thể mà chỉ đứng nhìn đàn kiến đang bò trên hòn non bộ trước sân rồi thốt lên một câu : Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân (nghĩa là từ Đèo Ngang trở vào phía Nam có thể yên thân muôn đời). Nguyễn Hoàng hiểu ý nên nói với chị là Ngọc Bảo vợ Trịnh Kiểm xin cho vào trấn thủ ở Thuận Hóa (Huế). Phần Trịnh Kiểm thì muốn mượn tay Chiêm Thành để giết Nguyễn Hoàng hoặc nếu Nguyễn Hoàng thua trận thì sẽ lầy cớ đó mà trị tội đồng thời có thể tống Nguyễn Hoàng đi xa trừ cái họa ở bên mình. Còn với Nguyễn Hoàng thì đi xa để tránh hang hùm, lập cơ đồ riêng. Trịnh Kiểm đồng ý nên tâu với vua Lê. Tháng Mười năm Mậu Ngọ, thái sư Trịnh Kiểm vào chầu dâng biểu xin cho con thứ hai của Nguyễn Kim là Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng đem quân vào trấn thủ xứ Thuận Hóa để phòng giặc[3].
3. Nguyễn Hoàng đi khai phá vùng đất phía Nam
            Năm 1558, Nguyễn Hoàng lên thuyền đi về hướng Nam với nhiều tráng đinh nghĩa dũng quê ở huyện Tống Sơn cùng nhiều dân ở Thanh Hóa và Nghệ An. Khi qua khỏi dãy Hoành Sơn đoàn quân không dừng lại mà đi mãi qua sông Nhật Lệ, qua sông Gianh, sông Nhật Hải đi thẳng vào Ái Tử bốn bề cát trắng mênh mông. Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng và các tùy tùng từ cửa Việt đi lên sông Quảng Trị, đóng dinh ở làng Ái Tử, năm ấy ông 34 tuổi. Khi đến nơi dân địa phương đem dâng bảy gò nước trong. Nguyễn Ư Dĩ - quan Thái Phó cũng là cậu của Nguyễn Hoàng nói :
            - Đó là điềm trời cho ông nước đó.
            Từ đó Nguyễn Hoàng chăm lo cho dân để mưu đồ nghiệp lớn. Năm 1570, trấn thủ Quảng Nam là Nguyễn Bá Quỳnh, được gọi ra để giữ đất Nghệ An. Nguyễn Hoàng kiêm luôn hai đất Thuận Quảng. Lãnh thổ của ông cai quản từ sông Gianh vào đến đèo Cù Mông giáp với Bình Định, Phú Yên bao gồm các tỉnh từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Khi Nguyễn Hoàng mất thì con trai thứ sáu của ông là Nguyễn Phúc Nguyên lên thay cha làm chúa. Trong cuộc mở mang bờ cõi về phía Nam thì chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên là người đặt nền móng vững chắc ban đầu khi biến hai công nữ Ngọc Vạn và Ngọc Hoa (con gái chúa) thành “quyền lực mềm” đối với các hoàng đế lân bang. Ngọc Khoa và Ngọc Vạn không chỉ xinh đẹp mà còn tài chí, một lòng giúp phụ thân hoàn tất sứ mệnh mở mang bờ cõi.
Năm 1613, Nguyễn Phúc Nguyên lên thay Nguyễn Hoàng. Ông cho cải tổ lại bộ máy theo phiên chế của họ Nguyễn, bắt đầu ly khai chính quyền Lê Trịnh. Lúc này, Hạ lưu sông Cửu Long vốn là một vùng đất mênh mông, hoang vu hứa hẹn nhiều tiềm năng, vị chúa Nguyễn nổi tiếng tinh anh, từ lâu nung nấu sử dụng đường lối “dân đi trước, làng nước theo sau” để mở mang bở cõi. Ông cũng hy vọng biến nơi đây thành kho lương thực, tài sản quí giá cho người dân và “quốc gia” bé nhỏ của mình. Ông suy tính, chỉ có thể dùng kế mỹ nhân mới ít phải hao tài, tốn lực.  
Đúng thời điểm đó, vua Chân Lạp là Chey Chetta 2 muốn tìm một đối lực để chống lại lân bang Xiêm La nên xin cưới một công nữ, con chúa Nguyễn, làm hoàng hậu. Chúa Sãi chỉ đợi có thế ưng gả ngay nàng Ngọc Vạn, người con gái thứ 2 cho vị vua lân bang này. Vào năm 1620, cuộc hôn nhân có xu hướng “chính trị” này đã được thực hiện và ảnh hưởng lớn lao đến vận mạng Chân Lạp sau này.  
Không chỉ dừng lại ở đó, ông cho cô con gái út là Ngọc Khoa, vị công nương út, vốn nổi tiếng đẹp nhất trong các công nương, giả làm người đi buôn vào đất Chiêm Thành. Danh tiếng cô lái buôn xinh đẹp đến tai vua xứ này là Po Romé. Vua lập tức cho mời nàng đến. Vừa trông thấy Ngọc Khoa, Po Romé lập tức say mê, rước về làm vợ và phong tước là nàng Bia Út (hoàng hậu Út). Giống như chị gái, Ngọc Khoa chấp nhận cuộc hôn nhân này và về sau hết lòng phụng sự công cuộc mở cõi của vua cha.
Nàng Ngọc Vạn vốn xinh đẹp lại đức hạnh vì vậy được vua vô cùng yêu quý. Một mặt giúp chồng trị nước, nàng còn trở thành chiếc cầu nối đưa người Việt đến định cư ở đất nước này. Nhờ ảnh hưởng của mình, hoàng hậu Ngọc Vạn xin cho nhiều người Việt Nam vào giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình. Bà cũng lựa lời xin cho nhiều người Việt Nam lập hãng xưởng và buôn bán gần kinh đô Oudong. Năm 1623,  một sứ bộ của chúa Nguyễn đến Oudong yêu cầu được lập cơ sở ở Prey Kôr (tức Sài Gòn ngày nay) và được mở ở đó một sở thu thuế hàng hóa. Vua Chey Chetta cũng dễ dàng chấp thuận và triều đình Thuận Hóa khuyến khích người Việt di cư đến đấy làm ăn. Ngoài ra, chúa Sãi còn phái một tướng khác đến đóng ở Prey Kôr. Khi Chey Chatta mất, vùng đất từ Prey Kôr trở ra Bắc đến biên giới Chiêm Thành (tức là Sài Gòn, Bà Rịa, Biên Hòa ngày nay), đã có nhiều người Việt đến ở và khai thác đất đai. Đổi lại, chúa Sãi hai lần giúp con rể (Chey Chetta 2) đẩy lui quân Xiêm sang xâm lược. Giáo sĩ người Italy tên Christopho Borri ở Quy Nhơn đã nhìn thấy viện binh từ Đàng Trong tiến sang Cao Miên, nên đã ghi lại trong cuốn hồi ký của mình (xuất bản năm 1631) như sau: “Chúa Nguyễn luôn luyện tập binh sĩ và gởi quân đội giúp vua Cao Miên, tức chàng rể chồng của con chúa. Chúa viện trợ cho vua Cao Miên thuyền bè, binh lính để chống lại vua Xiêm...”.
 Cũng giống như chị gái, Ngọc Khoa ở đất Chàm 20 năm đã giúp cho tình thân hữu hai nước khăng khít. Bà từng bước đưa người dân Việt vào khai khẩn, lập nghiệp. Năm 1651, đất nước này xảy ra một cuộc nội loạn, chia phe phái giết hại lẫn nhau, Hoàng hậu Ngọc Khoa và đức vua đều bị sát hại. Hiền Vương (sau này là vị chúa Nguyễn thứ 4 của chính quyền Đàng Trong) phải đưa quân vào cứu, dẹp tan loạn, rồi đặt người Việt giữ đất trị an. Từ đó, Chiêm Thành sáp nhập vào lãnh thổ Việt thành những tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phan Rang, Phan Thiết.                                                                                     Ca ngợi công lao của hai nàng, Á Nam Trần Tuấn Khải đã chấp bút đề thơ:
Hồng Lạc ta đâu hiếm nữ tài;
Nghìn xưa Trưng Triệu đã từng oai;
Noi gương Khoa, Vạn, hai công chúa;
Một sớm ra đi mở đất đai
Các chúa Nguyễn tồn tại được 9 đời từ 1558 -1778. Sau đó, nhà Nguyễn bị ba anh em nhà Tây Sơn diệt, chỉ còn một mình Nguyễn Ánh chạy thoát. Sau này, chính Nguyễn Ánh là người tiêu diệt nhà Tây Sơn để lập nên Triều đại nhà nguyễn kéo dải suốt 13 đời vua từ năm 1802 đến năm 1945.
 
 


[1] Đại Nam Nhất Thống Chí, Tập 2.
[2] Triệu Quang, Phong thủy tuyển trạch tự, Nxb. Đài Nam (2000).
[3] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn