1. Có phúc có phần
Bất kỳ giai đoạn lịch sử nào và đất nước nào, những ngôi mộ hay nhà ở được đặt trên những huyệt phong thủy lớn (long mạch) đều sinh ra những vị Đế vương, công hầu, khanh tướng. Những ngôi đất phát đế vương là những ngôi đất trời cho mới được (thiên táng). Khi táng được vào ngôi đất phát vương thì sinh ra những người có tài năng phi phàm để xây dựng nên một triều đại mới. Điểm qua lịch sử Việt Nam từ mấy ngàn năm qua, các triều đại ra đời đều vô tình được những ngôi đất phát vương. Những ngôi mộ này không có sự tham gia của các thầy phong thủy, các thầy địa lý, tướng số và cũng không chọn được ngày giờ tốt mà do thiên định. Vào thời nhà Lý, sự ra đời của triều đại này bắt đầu từ khi cha Lý Công Uẩn vì đi tìm nước uống cho hai vợ chồng nên bị ngã xuống giếng mà chết, đất mối đùn lên đắp thành mộ ở rừng Báng. Xung quanh ngôi mộ này có tám ngọn đồi nhỏ, tạo thành hình một bông sen có tám cánh (Triều Lý truyền được tám đời nên gọi là Lý bát đế). Cũng trong ngày này, sư trụ trì chùa được thần linh báo có đế vương ghé thăm chùa để rồi Lý Công Uẩn được sinh ra tại chùa. Thời nhà Trần, Trần Công vì cứu người nên được họ đền ơn để mả vào ngôi đất phát vương và triều Trần ra đời, kéo dài 175 năm. Đây chính là ý trời cho người đến giúp. Triều nhà Lê, Bạch Thạch Sơn Tăng đã đến tận nơi để chỉ bảo cho Lê Lợi một ngôi đất phát vương đặt ở làng Như Áng, động Chiêu Nghi và còn chỉ cho Lê Lợi cách táng để nhà Lê phát phúc tới 500 năm. Thời chúa Trịnh, mẹ Trịnh Kiểm bị dân làng ném xuống vực vì ăn trộm gà. Xác bà rơi vào hàm rồng, mối đùn lên đắp thành mộ. Từ đó, dòng họ Trịnh kéo dài 12 đời – 243 năm. Dòng họ Trịnh được sử sách miêu tả là “không phải đế, không phải vương nhưng quyền nghiêng thiên hạ” vì vua Lê chỉ là bù nhìn, quyền hành rơi hết vào tay của chúa Trịnh. Triều Tây Sơn do nghe lóm được lời bàn của hai thầy phong thủy mà có ngôi mộ phát đế vương (ý trời).
Qua những sự kiện này, chúng ta thấy rằng mộ đế vương trời cho mới được.
2. Đất đế vương, trời không cho không được
Chưa có một thầy tướng số, thầy địa lý, thầy phong thủy nào mà tự chọn được đất đế vương cho dòng họ và con cháu mình như Tả Ao, Đoàn Thông, Cao Biền. Sau đây là chuyện Cao biền chọn đất phát vương:
Thời nhà Đường bên Trung Quốc có Cao Biền rất giỏi nghề địa lý. Những phép hô thần tróc quỷ, ông đều thông thạo. Tiếng đồn vang khắp nơi. Hoàng đế Trung Quốc nghe tiếng liền triệu Biền vào cung ủy thác cho việc kiếm một ngôi đất xây dựng lăng tẩm. Cao Biền vâng lệnh và sau năm năm tìm tòi, đã kiếm được một kiểu đất quý mà theo ông có thể giữ ngôi nhà Đường vững như bàn thạch. Sau khi công việc hoàn thành, hoàng đế rất khen ngợi, ban nhiều vàng bạc cùng phong tước lớn cho Cao Biền. Cao Biền không nhận vàng bạc mà chỉ xin một kho bút và chọn ra một cây bút thần (Cao Biền đã dùng cây bút thần này để vẽ con diều giấy làm phương tiện di chuyển và cũng dùng cây bút này để trấn yểm). Vua Đường phong cho Cao Biền làm Thứ sử Giao Châu với mục đích tạo cơ hội cho Biền tìm và triệt phá các long mạch ở đất Giao Châu. Từ năm 864 – 874, trong mười năm làm Thứ sử Giao Châu, Cao Biền đi khắp nước Nam để tìm cách triệt phá các long mạch phát đế vương. Cao Biền đã tìm được 632 huyệt chính (huyệt phát đế vương) và 1517 huyệt bàng (huyệt phát Trạng nguyên, Tể tướng, công hầu). Sau đó, Cao Biền ghi lại thành một cuốn sách chỉ rõ ở từng châu, từng phủ có những huyệt mạch đó rồi gửi về cho vua Đường. Vua Đường rất vui mừng. Riêng Cao Biền cũng có ý định tìm một mạch đất cực quý để xây dựng giang sơn riêng.
Quả nhiên không bao lâu, Cao Biền tìm thấy ở gần một con sông, cứ như bây giờ là sông Trà Khúc tỉnh Quảng Ngãi, một huyệt đất phát đế vương. Huyệt đất ấy quý không đâu bằng mà lại chỉ trong một ngàn ngày là phát. Đó là một cái hàm con rồng lấp dưới nước mà chỉ có con mắt của Biền mới khám phá được. Từ đó, Biền có ý muốn hưởng một cuộc sống sung sướng xa xỉ vào bậc nhất thiên hạ. Nhưng khi nghĩ lại thì hắn rất tiếc là không có con trai mà thân mình lại già mất rồi, nếu được làm vua cũng không còn hưởng được mấy. Vì vậy, Cao Biền mới tính sẽ nhường cho rể. Nếu nó làm vua thì ông bố vợ tất cũng được bội phần trọng đãi mà dòng dõi con gái mình cũng hưởng phúc lâu dài. Nhưng muốn thực hiện công việc “đại sự” này cần phải giữ hết sức bí mật, nếu không sẽ mất đầu như chơi. Nghĩ vậy, Biền trở về Trung Quốc bảo người con rể đào lấy hài cốt cha y đem sang nước Nam để cải táng. Trong việc này Biền chỉ bàn kín với một người học trò mà thôi. Nhưng người học trò mà Biền tin cậy lại muốn miếng đất quý ấy hoàn toàn thuộc phần mình hưởng, nên khi được lệnh thầy mang hài cốt thì hắn cũng đào luôn hài cốt của cha mình để mang sang nước Nam.
Bấy giờ hàm rồng đang thời kỳ há miệng. Cao Biền bảo học trò lặn xuống ném gói xương vào giữa miệng rồng, chờ cho nó ngậm lại hãy lên. Người học trò đem gói xương của cha mình đánh tráo vào, còn gói xương kia thì bỏ ở một bên mép. Xong việc đó, Cao Biền bảo con rể chọn năm giống lúa, mỗi thứ một thúng mang đến huyệt đất nói trên, sai đào đúng vào chỗ vai rồng thành năm cái huyệt. Mỗi huyệt Cao Biền sai chôn một thúng lúa rồi lấp đất lại thành năm ngôi mộ. Hắn giao cho chàng rể một ngàn nén hương, dặn mỗi ngày thắp một nén, đúng hai năm chín tháng mười ngày thì tự khắc quân gia dưới huyệt nhất tề đứng dậy cả. Dặn đâu đấy, Cao Biền trở về Trung Quốc.
Thời gian thắm thoát trôi qua, chỉ còn mười ngày nữa là hết hạn công việc mà Cao Biền đã dặn, thì tự nhiên con gái Cao Biền ở nước Nam đẻ luôn một lúc ba bé trai, mặt mũi dị kỳ. Vừa mới sinh ra, ba đứa đã biết đi, biết nói. Một đứa mặt đỏ tay cầm ấn, một đứa mặt màu thiếc, một đứa mặt màu xanh, đều cầm dao sáng quắc. Cả ba nhảy tót lên giường thờ ngồi, đòi đem quân thu phục thiên hạ. Người nhà ai nấy đều sợ xanh mặt. Chỉ trong một buổi tiếng đồn truyền đi khắp nơi. Mọi người thấy sự lạ đổ tới xem như đám hội. Người rể của Cao Biền sợ quá, bảo vợ: “Mày đẻ ra ma ra quỷ, nếu không sớm trừ đi thì khó lòng sống được với triều đình. Chẳng qua cha mày làm dại, nên mới sinh ra như thế”. Thế rồi y chém chết hết ba đứa con này. Trong lúc bối rối, người nhà của y vì lầm nên đốt luôn một lúc hết thảy mười nén hương còn lại. Bỗng dưng mặt đất chuyển động. Ở dưới năm ngôi mộ có tiếng rầm rầm mỗi lúc một lớn. Rồi nắp mộ bật tung ra, bao nhiêu quân gia từ dưới đó nhảy lên. Nhưng vì còn non ngày nên sức còn yếu, đứng chưa vững, người nào người ấy đi lại bổ nghiêng bổ ngửa, cuối cùng đều chết sạch. Do đó trong dân gian ta có câu nói: “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non”
[1].
Lại nói chuyện Cao Biền chờ cho đến tận ngày hẹn mới cưỡi diều bay sang nước Nam. Nhưng lần này diều bị ngược gió nên sang không kịp. Khi diều hạ cánh xuống thì người con rể đã phá hỏng mất công việc của hắn. Hắn bực mình vô hạn. Sau khi nghe kể đầu đuôi câu chuyện, hắn rút gươm chém chết cả học trò lẫn con rể (vì không đủ phúc đức nên trời không cho ngôi mộ phát đế vương). Từ đó Cao Biền sinh ra chán đời, chả thiết gì nữa. “Không được ăn thì đạp đổ”, nghĩ thế, hắn bèn cưỡi diều đi khắp nước Nam để ếm huyệt và phá tất cả những long mạch của nước này. Ngay chỗ hàm rồng nói trên, hắn dùng phép chém đứt cổ con rồng đó đi. Cũng vì vậy mà ngày nay người ta nói nước sông Trà Khúc đỏ như máu là bởi máu từ cổ con rồng chảy ra đến nay vẫn chưa dứt. Đến Nghệ An, Biền thấy trên một hòn núi mà ngày nay còn gọi là núi Đầu Rồng ở sát bờ biển có huyệt đế vương. Hắn bèn làm bùa bằng gang đóng vào đỉnh núi. Từ đó trở đi trên đỉnh núi ấy không một cây cối gì còn mọc được. Ở Thanh Hóa, Cao Biền cũng thấy có huyệt đất quý khi hắn bay diều qua vùng núi Hàm Rồng. Nhìn thấy huyệt Hàm Rồng nhưng đó lại là hình con rồng què chân (“xương long vô túc” tức là “rồng không có chân”), không phải đất cực quý, cho rằng nếu có phát đế vương thì không thể phát to được. Cho nên hắn cho diều đi thẳng không ếm nữa.
Miệng thì nói vậy nhưng hắn lại âm thầm trở lại, mang theo hài cốt cha để táng vào mong sau này có thể phát đế vương. Sau nhiều lần táng hài cốt cha vào, xương cốt cứ bị huyệt núi đùn ra, không kết phát. Cao Biền biết rằng đây là long mạch cực mạnh, cực quý nên hắn lại càng thích thú. Rắp tâm làm đến cùng, hắn bèn tán nhỏ xương để tung vào sườn núi nhưng vừa tung lên thì có muôn con chim nhỏ cùng bay đến, vỗ cánh quạt vù vù làm xương cốt bám trên vách đá bay tứ tan. Cao Biền thấy thế thì than rằng linh khí nước Nam quá mạnh, không thể cưỡng cầu. Quả nhiên không lâu sau, Biền bị triệu về nước rồi bị giết (mộ đế vương trời không cho không được). Nhiều người cho rằng, những chim nhỏ phá phép trấn yểm của Cao Biền là thần linh của sông núi nước Nam. Cũng vì thế người ta nói mấy đời vua chúa trị vì ở nước Nam đều phát tích ở Thanh Hóa (Lê Lợi, Hồ Quý Ly, Trịnh Kiểm, các dòng vua chúa Nguyễn).
Khi diều bay qua làng Thiên Mỗ (bây giờ là làng Đại Mỗ, tỉnh Hà Đông), Biền thấy có cái giếng ở vệ sông mà bây giờ là Nhuệ Giang cũng có huyệt đế vương. Hắn bèn cho diều hạ xuống là là sát mặt đất, đoạn thuận tay ném luôn cây bút thần của mình xuống lòng giếng. Người ta nói cây bút ấy sau rồi hóa thành một khúc gỗ cắm chặt xuống đáy giếng. Không một ai dám động đến nó. Mãi về sau trong làng có một ông thám hoa có tính hiếu kỳ mới tâu vua xin hai con voi về kéo thử khúc gỗ đó lên. Họ làm một chiếc thừng lớn, một đầu buộc vào khúc gỗ, còn một đầu buộc vào cổ voi. Nhưng khi voi cất bước thì tự nhiên ở những xóm làng bên cạnh, đất chuyển động ầm ầm, đồng thời nhà cửa phát hỏa tứ tung. Lần ấy ông thám hoa đành bỏ dở công việc vì ông ta sợ con rồng bị đau giẫy giụa làm hại đến người dân. Điều đặc biệt là từ bấy đến nay nước giếng ấy không bao giờ cạn. Mỗi khi nước trong, người ta vẫn thấy có bóng khúc gỗ đen đen ở dưới đáy.
Để tâng công với hoàng đế, Cao Biền vẽ bản đồ từng kiểu đất một rồi viết thành sách ghi chú rất tinh tường đem dâng lên vua Đường. Đại ý nói tất cả những mạch đất quý nhất của nước Nam, hắn đều đã trấn áp xong. Duy có kiểu đất ở chỗ trung độ (tức bây giờ là Hà Nội) thì hắn đã sai đắp một cái thành gọi là thành Đại La để chặn long mạch. Lễ trấn áp này Biền làm rất công phu và linh đình. Trên hòn núi ở xa xa về phía Bắc thành Đại La, hắn cho dựng một cái đàn tràng. Trong thành Đại La, hắn sai nung một lúc tám vạn cái tháp bằng đất nhỏ. Nung xong, Biền huy động tám vạn quân, mỗi tên quân vai vác giáo, mũi giáo xóc một cây tháp, đi từ Đại La tiến dần lên núi. Vừa đi họ vừa hô mấy tiếng “Thống vận hoàng đế”. Đến nơi đặt tháp xuống đỉnh núi rồi tám vạn quân ấy lại rùng rùng kéo về Đại La. Cũng vì có những việc kỳ dị như thế nên núi ấy từ đó mang tên là núi Bát Vạn. Hoàng đế Trung Quốc đọc sách của Cao Biền lại càng khen ngợi hắn. Nhưng việc làm của Biền bị dân chúng nước Nam oán ghét. Họ quyết tâm chờ dịp giết hắn cho bõ hờn. Một hôm, Biền cưỡi diều bay vào Ninh Bình. Ở đây người ta đã chuẩn bị cung nỏ chờ khi diều của hắn bay qua sát mặt đất là cả bao nhiêu người cùng nhất tề phóng tên. Quả nhiên, diều bị gãy cánh rơi xuống núi. Biền bị trọng thương, sau đó phải đưa về Trung Quốc. Hòn núi ấy ngày nay còn mang tên là núi Cánh Diều, một trong ba ngọn núi ở gần trị sở Ninh Bình. Cao Biền về nước được ít lâu bị thủ hạ giết chết. Người ta theo lời dặn của hắn, đem hài cốt chôn ở một cái gò cát ở mé biển miền Nam, cứ như bây giờ thuộc tỉnh Phú Yên. Ở đó mặc dù sóng dồi gió dập thế nào đi nữa, cát ở mả vẫn không bay đi chỗ khác. Người đi thuyền qua đó vẫn gọi là mả Cao Biền.
3. Quan hệ giữa Long mạch và họa phúc
3.1 Long mạch và mô hình long mạch
Những ngôi đất phát đế vương người ta gọi là chôn vào long mạch. Để tìm được long mạch là một công việc rất khó thuộc đối tượng nghiên cứu của Phong thủy học. Xác định được long mạch phải bỏ nhiều công sức nhưng có một điểm chung nhất là phải tìm được thế của đất và hướng mộ. Thế đất phải có tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền chu tước, hậu huyền vũ. Thanh long ở bên trái phải dài, bạch hổ ở bên phải phải ngắn và tròn. Huyền vũ phải cao và dày. Chu tước phải thoáng và tích thủy. Hướng là để thu nhận khí từ vũ trụ truyền theo mạch ở trong đất và đến huyệt vì long mạch là nơi thoát luồng khí từ lòng đất lên mặt đất. Tất cả các huyệt đều tương tự như nhau ở các điểm sau:
- Long mạch bắt đầu từ núi cao hay gò lớn rồi thỉnh thoảng lại đội lên một ngọn núi cao hay một gò. Hai bên phải có dòng nước dẫn theo đến tận cùng. Khi hai dòng nước chạy giao nhau, hai bên có ruộng cao hay đồi mở ra như hai sừng trâu ôm lai. Đó là nơi kết huyệt.
- Điểm kết huyệt là chỗ đất ở gần sát nước, nó đưa ra như lưỡi trai. Nước ở hai bên giao nhau trước mặt huyệt gọi là Minh Đường (tích thủy). Trước mặt có nhiều gò cao ôm lại gọi là Triều, Sa, Án. Sau lưng có gò cao gọi là Huyền Vũ. Nó giống như một cái ghế bành có hai tay là tay thanh long và tay bạch hổ. Chỗ khởi tổ gọi là Tổ Sơn, kéo dài đến những núi thấp hơn gọi là Thái Tổ Sơn, Thiếu Tổ Sơn và Phụ Mẫu Sơn. Núi cao nhất được gọi là Tổ Sơn, thấp hơn gọi là Thiếu Tổ Sơn rồi tẻ ra làm hai nhánh gọi là Phụ Mẫu Sơn. Giữa hai dãy núi tẻ ra là thung lũng bằng phẳng, hơi lõm xuống hoặc nhô lên. Đấy chính là huyệt mạch và táng đúng vào đó thì đó là long mạch. Kèm theo dãy núi là những dòng sông dẫn thủy (sơn thủy hữu tình). Trong lòng núi chính là những mạch khí, từ không gian vũ trụ, mặt trời, mặt trăng, tinh tú được núi hấp thụ và khí từ cỏ cây trên núi hấp thụ theo mạch truyền đến long mạch.
Ta tưởng tượng huyệt mạch giống như dây bầu, dây bí. Gốc bí là Tổ Sơn, dây bí chính là những chi mạch. Ở những nơi có huyệt mạch giống những nơi có hoa bầu, hoa bí nở ra. Luồng khí đi trong mạch giống như nhựa để nuôi hoa, nuôi quả. Ở Việt Nam có ba huyệt mạch lớn. Khởi tổ là dãy Cô Sơn ở Trung Quốc và được chia làm ba chi mạch.
- Chi giữa khởi Thiếu Tổ Sơn là dãy Tam Đảo, chuyển qua Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương đến Hải Phòng
- Chi tả khởi Thiếu Tổ Sơn là dãy Bạch Thông, chạy về Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang và Đông Triều.
- Chi hữu khởi Thiếu Tổ Sơn là dãy Hoàng Liên Sơn, chuyển theo dãy Trường Sơn vào Bình Định rồi đến Nam Bộ. Dẫn mạch là sông Cửu Long. Ở miền Bắc chi giữa là chi chính. Khởi Tổ Sơn có long lân bảo điện, thạch nhũ tuồn xuống nước ở Vịnh Hạ Long. Có ngũ sắc tường vân đẹp như tranh vẽ nên có nhiều người tài xuất hiện. Ở dãy này có những người tài giỏi như Lý Công Uẩn, Trần Hưng Đạo, Mạc Đĩnh Chi, Mạc Đăng Dung, Nguyễn Bỉnh Khiêm… Riêng ở đất Bắc Ninh (chi tả) có hơn 600 đại khoa là Trạng Nguyên, Tiến sĩ (được sử sách mô tả là có “hàng giỏ Trạng nguyên, hàng thuyền Tiến sĩ”). Vì vậy Cao Biền đã trấn yểm các huyệt đế vương và lập danh sách các vùng đất tốt để gửi về cho vua Đường Ý Tông trong thời gian làm thứ sử Giao Châu (864 - 874) có nói rõ: “đất Giao Châu có 632 huyệt chính (huyệt phát đế vương) và 1517 huyệt bàng (huyệt phát người tài, danh tướng, công hầu)”. Quyển tấu thư ghi rõ địa danh từng phủ, từng huyện. Sau đó hắn đi trấn yểm các long mạch chính
[2]. Sau này còn có Hoàng Phúc, Cao Quýnh nhà Minh lên danh sách các tiểu cán, tiểu chi (đất phát các công khanh, tướng tài).
Chi hữu chạy theo dãy Trường Sơn từ Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vào Bình Định. Chi này có nhiều người tài của Việt Nam tập trung ở miền trung như thời nhà Đinh, tiền Lê, Lê sơ, dòng họ chúa Trịnh, chúa Nguyễn hay dòng dõi nhà Nguyễn Huệ. Sau này có Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai... Nhiều vị lãnh đạo Đảng và nhà nước ta đều sinh ra ở đây.
3.2 Quan hệ giữ vũ trụ và long mạch
Theo Kinh Dịch càn khôn là một mớ hỗn độn, vô hình rồi trời đất phân ra hai loại khí âm và dương. Nó tụ hợp, phân tán biến hóa thành vô vàn hình tượng khác nhau. Chuyển động hỗn độn hợp lại thì thành chất sinh ra hình thù vạn vật. Hai đầu âm dương tuần hoàn không nghỉ tạo nên trời và đất. Trời có ngũ tinh, đất có ngũ hành. Trời là nơi cư trú của tinh tú. Đất là nơi bày núi sông, đồng ruộng. Đó là những hình thế cố định. Ngoài ra còn có những dạng phân biệt được như gió, mưa, sương tuyết. Đó là khí âm dương, thổi thì thành gió, bay lên thành mây, nhập lại thì thành sấm sét, đổ xuống thành mưa. Tất cả muôn loài đều dùng khí để thở. Khí thuận thì làm những nơi đó phát triển tốt. Khí nghịch thì làm cho nơi đó sinh loạn. Khí từ vũ trụ theo mưa xuống núi đồi ngấm vào trong lòng đất và di chuyển thành những mạch khí và nước ngầm chạy trong lòng núi rồi trồi lên mặt đất ở các huyệt mạch, nuôi dưỡng hài cốt người được táng ở đó.
Con người sinh ra lấy hình thể từ cha mẹ nên khi khí mạch di chuyển trong huyệt mạch, bồi bổ cho xương cốt. Con cháu từ đó mà cảm ứng được họa phúc. Từ đó được phúc lộc vĩnh trinh, vạn vật hóa sinh. Nếu long mạch bị triệt, luồng khí không nuôi dưỡng được xương cốt. Lúc đó, xương cốt sẽ khô mục, giống như cuống hoa bị cắt thì nhựa không nuôi được hoa quả thì hoa quả sẽ bị hư như trường hợp long mạch nhà Trần bị cắt đứt nên nhà Trần bị mất vào tay nhà Hồ. Tương tự, long mạch của nhà Tây Sơn bị cắt thì con cháu cũng bị yếu thế. Sau đó nhà Tây Sơn mất về tay nhà Nguyễn.
Chính vì vậy trong dân gian có câu: “giữ như giữ mả tổ” chính là để bảo vệ sự trường tồn, thịnh vượng của cả dòng họ và xa hơn nữa là bảo vệ sự trường tồn của một triều đại, một quốc gia.
[1] Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Nxb. Văn Nghệ.
[2] Dẫn theo “Cao Biền tấu thư địa lý kiểu tự”, “Nghiên cứu phong thủy và phong thủy Việt Nam dưới góc độ khoa học” của Ngô Nguyên Phi, Nxb. Văn hóa thông tin, Năm 2002.