Cuối 1788, nhà Thanh cử Tôn Sĩ Nghị đem 29 vạn quân chia làm bốn đạo tiến vào nước ta. Trước thế giặc ào ạt quân ta rút khỏi Thăng Long. Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm cho người về Phú Xuân báo cho Nguyễn Huệ biết và lập phòng tuyến ở Tam Điệp, Ninh Bình. Tôn Sĩ Nghị vào được Thăng Long, cướp bóc đốt nhà giết người tàn bạo. Lê Chiêu Thống được phong làm An Nam quốc vương thực ra là bù nhìn. Hàng ngày y tìm cách trả thù báo oán tàn bạo. Người dân Thăng Long nói với nhau:
-
Nước Nam từ khi có Đế, có Vương đến nay chưa bao giờ thấy ông vua nào luồn cúi đê hèn đến vậy[1].
Tuy nhiên, không đầy sáu tháng sau, khi Nguyễn Huệ đang ở thành Phú Xuân thì được tin Lê Chiêu Thống đã dẫn đội quân xâm lược Mãn Thanh vào chiếm đóng kinh thành Thăng Long. Quân đội Tây Sơn do Đại Tư Mã Ngô Văn Sở chỉ huy phải rút binh về đóng ở Tam Điệp - Biện Sơn chờ lệnh. Nguyễn Huệ lại lần thứ ba ra Thăng Long. Lần này ông ra Bắc với tư cách là Quang Trung hoàng đế. Theo lời khuyên của nhân dân và lòng mong mỏi của ba quân tướng sĩ, năm 1788 Nguyễn Huệ cho chọn ngày lập đàn tế trời đất, thần sông, thần nước và bắt đầu lên ngôi hoàng đế tại Phú Xuân.
Trong lễ xuất quân tại núi Bân (Huế), Nguyễn Huệ lập đàn tế trời đất lên ngôi lấy hiệu là Quang Trung. Trước ba quân đội ngũ chỉnh tề, gươm giáo sáng loáng, Quang Trung bước lên đàn Nam Giao nói rằng: Hỡi ba quân tướng sĩ chúng ta sẽ tiến ra Bắc Hà, đánh đuổi giặc Thanh, đem lại bình yên cho trăm họ. Ba quân hãy cùng ta quan sát, nếu tất cả 200 đồng tiền này đều sấp thì đó là điềm trời báo chúng ta đại thắng. Nhược bằng có đồng ngửa, thì đó là đại sự chúng ta có nhiều trắc trở. Sau đó Quang Trung chỉnh trang lễ phục bước xuống sân. Đội vệ binh khiêng chiếc hương án, khói nghi ngút, trên có mâm tiền phủ nhiễu điều. Quang Trung chắp tay khấn vái rồi bưng mâm tiền cung kính dâng lên cao, đổ hất tung xuống sân. Tướng lĩnh quân sĩ đều chăm chú nhìn rất kỹ, đồng thanh reo lên: Sấp, sấp, tất cả đều sấp, đại thắng, đại thắng rồi. Quang Trung như mở cờ trong bụng, dõng dạc tuyên bố: Hỡi ba quân! Đất trời phù hộ đã báo cho ta niềm thắng trận. Chúng ta hãy đồng tâm nhất trí, nhất định sẽ đánh đuổi được giặc Thanh. Hãy nổi trống, truyền lệnh tiến quân. Rồi quân đội lập tức tiến quân ra Bắc. Đến Nghệ An, Quang Trung tuyển thêm quân, mở cuộc duyệt binh lớn ở Vinh – Nghệ An. Tới Thanh Hóa, ông tiếp tục tuyển quân và làm lễ tuyên thệ. Ra đến Tam Điệp, Quang Trung mở tiệc khao quân và tuyên bố:
- Nay hãy ăn Tết Nguyên đán trước, đến sang xuân vào mùng 7 vào Thăng Long sẽ mở tiệc lớn. Các người hãy nhớ lời ta xem có đúng thế không?
Ông vừa dứt lời, quân lính dạ ran như sấm, rung động núi rừng, trời đất biến đổi cả cảnh sắc, chiêng trống đồng thời vang lên. Nguyễn Huệ được xem là một bậc anh hùng dũng mãnh và có tài cầm quân xuất chúng. Từ Tam Điệp, Nguyễn Huệ chia làm năm đạo tiến quân ra Bắc. Đạo chủ lực do Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy tiến vào Thăng Long. Đêm 30 tết âm lịch, quân ta vượt sông Giáng Khẩu, tiêu diệt toàn bộ quân địch ở đồn tiền tiêu. Đêm mùng 3 tết, ta vây đồn Hạ Hồi. Quân giặc hoảng sợ hạ vũ khí đầu hàng. Mùng 5 tết, ta đánh đồn Ngọc Hồi, nơi đây có ba vạn quân địch đóng giữ. Quân giặc ở đồn Ngọc Hồi không chống nổi bỏ chạy tán loạn, xác chết chất ngổn ngang, máu chảy thành suối. Nghe tin quân Thanh đại bại, Tôn Sĩ Nghị vượt sông Hồng chạy về nước. Trưa mùng 5 tết Kỷ Dậu, Nguyễn Huệ trong bộ chiến bào đen sạm khói thuốc súng cùng đoàn quân chiến thắng tiến vào Thăng Long giữa muôn ngàn tiếng reo hò.
Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến
Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh
Đúng như dự kiến và lời hứa hẹn của Hoàng đế Quang Trung, ngày 7 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789) quân đội của ông đã vui vẻ ăn Tết khai hạ tại thành Thăng Long. Lúc này, hoa đào Nhật Tân còn nở rộ như đón chào chiến thắng.
* Quang Trung xây dựng đất nước
Sau khi giành được thắng lợi, Hoàng đế Quang Trung giao lại việc binh cho Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân. Việc ngoại giao và chính trị thì ông giao cho Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích. Lần thứ ba Nguyễn Huệ ra Bắc rồi lại về Nam với tư thế là Hoàng đế Quang Trung để gấp rút xây dựng kinh đô mới ở Nghệ An - quê gốc của anh em Tây Sơn. Dưới con mắt của Hoàng đế Quang Trung thì Nghệ An là trung tâm của Nam và Bắc. Mặt khác, theo kế hoạch ngoại giao đã được Quang Trung vạch ra là bình thường hóa mối bang giao với triều Thanh. Triều đình Tây Sơn buộc sứ nhà Thanh phải vào tận Thuận Hóa để phong vương cho Quang Trung.
Sau đó, Hoàng đế Quang Trung giả (do Ngô Thì Nhậm đóng vai) đã sang Trung Quốc dự lễ mừng thọ 80 tuổi của vua Càn Long nhà Thanh. Dưới thời trị vì ngắn ngủi của triều Quang Trung, nhiều chính sách hay về xã hội, chính trị và kinh tế được ban hành, đã mở ra những triển vọng cho một xã hội năng động hơn. Song chưa được bao lâu thì căn bệnh đột ngột và hiểm nghèo đã cướp đi cuộc sống của một vị vua đầy tài năng. Khi đó ông mới 40 tuổi. Ông ra đi khi nhiều dự định táo bạo của ông còn đang dang dở. Một trong những dự định táo bạo đó là:
Năm Nhâm Tý (1792), sau nhiều lần bắn tin rồi lại gửi thư trực tiếp đến vua Thanh xin được sánh duyên cùng một nàng công chúa nhà Thanh và mượn đất đóng đô, vua Quang Trung đã sai đoàn sứ bộ do Vũ Văn Dũng làm Chánh sứ sang triều kiến vua Càn Long. Trong một cuộc bệ kiến của sứ thần Vũ Văn Dũng ở Ỷ Lương các, những yêu cầu của vua Quang Trung đã được vua Thanh chấp thuận. Vua Càn Long đang chuẩn bị cho cô công chúa khuê các sang sánh duyên cùng Quốc vương nước Nam. Tỉnh Quảng Tây được hứa sẽ nhường cho Quốc vương phò mã đóng đô để cho gần “Thánh Giáo”. Giữa lúc sứ thần đang mừng vui vì sắp hoàn thành một trọng trách quan trọng thì được tin sét đánh: vua Quang Trung từ trần. Mọi việc đều bị gác lại, Vũ Văn Dũng đành ôm hận trở về. Từ đó, việc xin lại đất Lưỡng Quảng chỉ còn là câu chuyện lịch sử. Theo nhiều nhà nghiên cứu, việc Quang Trung sai Vũ Văn Dũng đi “xin” Càn Long đất Quảng Đông, Quảng Tây thực ra chỉ là một thủ thuật về chính trị. Quang Trung không có dụng tâm lấy đất Trung Quốc vì ông biết thực lực không thể, hay ít ra là chưa thể làm lúc đó. Hơn nữa, ông thu dụng quân lục lâm “Tàu ô”, sai đánh phá biên giới Trung Quốc cốt để nhà Thanh bị cuốn vào hoạt động ngoại giao và chống giặc cướp để cho ông có thời gian hỗ trợ vua anh là Nguyễn Nhạc dồn lực lượng vào chiến trường miền Nam đánh Nguyễn Ánh mà thôi.
Như vậy, trong vòng 17 năm, nhà Tây Sơn lật đổ ba thế lực phong kiến, phá bỏ ranh giới chia cắt đất nước ba miền. Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước. Xây dựng chính quyền mới với nhiều biện pháp khôi phục kinh tế và xã hội.