Số lượng truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 4


Hôm nayHôm nay : 1266

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 4153

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 2935902

Giới thiệu

Đôi nét về giáo sư Cao Ngọc Lân

ĐÔI NÉT GIỚI THIỆU VỀ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ CAO NGỌC LÂN Họ và tên:                 CAO NGỌC LÂN           Giới tính: Nam Ngày, tháng, năm...

Giao su Cao Ngoc Lan

Trang nhất Bài viết» Lịch sử»

GIA LONG VÀ CÔNG CUỘC BẢO VỆ VƯƠNG TRIỀU NHÀ NGUYỄN

Thứ sáu - 01/12/2017 10:09
Trong cuộc đấu tranh với nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã trải qua vô vàn khó khăn, gian khổ để xây dựng nghiệp đế. Bị Tây Sơn lùng đuổi ráo riết, Nguyễn Ánh chạy trốn ra đảo Phú Quốc, có lúc trôi dạt về Cà Mau, có khi lang bạt tận Xiêm La. Nhiều lúc hết lương thực, Nguyễn Ánh phải ăn trái cây, bốc cơm nguội, mắm ruốc... Thế nhưng, Nguyễn Ánh là người có mạng đế vương nên số phận vẫn rất ưu đãi và phù trợ ông nhiều lần thoát khỏi hiểm nguy, thu giang san về một mối. Sau đây là một số cơ may đã cứu sống Nguyễn Ánh để từ đó Nguyễn Ánh có thể làm nên nghiệp đế. Chúng tôi giới thiệu bài viết “GIA LONG VÀ CÔNG CUỘC BẢO VỆ VƯƠNG TRIỀU NHÀ NGUYỄN” trong sách “Tìm hiểu về các triều đại Việt Nam” của GS.TS. Cao Ngọc Lân - TS. Cao Vũ Minh do Nhà xuất bản Lao Động phát hành năm 2011.
1. Những cơ may dẫn đến nghiệp đế vương của Gia Long
Trong cuộc đấu tranh với nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã trải qua vô vàn khó khăn, gian khổ để xây dựng nghiệp đế. Bị Tây Sơn lùng đuổi ráo riết, Nguyễn Ánh chạy trốn ra đảo Phú Quốc, có lúc trôi dạt về Cà Mau, có khi lang bạt tận Xiêm La. Nhiều lúc hết lương thực, Nguyễn Ánh phải ăn trái cây, bốc cơm nguội, mắm ruốc... Thế nhưng, Nguyễn Ánh là người có mạng đế vương nên số phận vẫn rất ưu đãi và phù trợ ông nhiều lần thoát khỏi hiểm nguy, thu giang san về một mối. Sau đây là một số cơ may đã cứu sống Nguyễn Ánh để từ đó Nguyễn Ánh có thể làm nên nghiệp đế.
Một lần ông chuẩn bị ra khơi thì có một con cá nhỏ nhảy tung vào thuyền. Nhận thấy có điềm không hay vì con cá đang vùng vẫy tự do ngoài biển cả tự nhiên “chui đầu vào rọ” nên Nguyễn Ánh không đi nữa. Một lần khác, có một bầy rắn đội thuyền lên, lại có lúc bị một con kỳ đà “cản mũi”... Những lúc đó, Nguyễn Ánh coi như là “điềm xấu xuất hành” làm ông và quan quân chùn chân. Nhưng không ngờ nhờ vậy mà ông đã thoát hiểm, không bị quân Tây Sơn chặn bắt ngoài biển. Quả đúng với câu: Chim sa, cá nhảy chớ mừng. Nhện sa, xà đón xin đừng vội lo.
Một lần thất trận, Nguyễn Ánh đem mẹ, vợ và con ra Phú Quốc. Thủy quân Tây Sơn truy đuổi đến tận đảo. Tình thế cực kỳ nguy hiểm, nhờ cai cơ Lê Phúc Điển mặc áo ngự đứng đầu thuyền giả làm Nguyễn Ánh để đánh lạc hướng. Nhân đó mà Nguyễn Ánh mới chạy thoát ra đảo Côn Lôn. Phò mã Trương Văn Đa của Nguyễn Nhạc kéo thủy quân vây kín đảo, Nguyễn Ánh như cá nằm trên thớt nhưng may cho Nguyễn Ánh, lúc đó có một trận bão lớn nổi lên làm thủy quân Tây Sơn bị thiệt hại nặng. Nhân lúc đó, Nguyễn Ánh thoát đến hòn Hổ Cốt, sau đó lại quay về Phú Quốc.
Năm 1783 Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ lại đánh vào biển Cần Giờ, quân Nguyễn Ánh tan tác, nhiều tướng tử trận. Nguyễn Ánh cùng với 5, 6 người tùy tùng và 100 lính chạy về Ba Rồng. Bị Nguyễn Huệ đuổi gấp, Nguyễn Ánh phải cưỡi trâu chạy qua sông để thoát thân. Nước chảy xiết, trâu suýt bị chìm. May nhờ một con cá sấu khác đỡ trâu lên nên ông mới thoát được lên bờ bên kia. Vượt qua tất cả những khó khăn, gian khổ trong chinh chiến, số phận và cơ may đã đưa Nguyễn Ánh lên ngôi vua, trở thành Thế Tổ Cao Hoàng đế Gia Long.
2. Trả thù nhà Tây Sơn
Nguyễn Ánh lấy lại được Gia Định năm Mậu Thân (1788) tuy đã xưng vương nhưng chưa đặt niên hiệu riêng, vẫn dùng niên hiệu vua Lê. Tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802) Nguyễn Ánh lấy lại được toàn bộ đất đai cũ của các chúa Nguyễn. Ông lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Gia Long, chọn Phú Xuân làm kinh đô. Việc đầu tiên Gia Long làm là trả thù những ai theo phò nhà Tây Sơn. 
Năm 1802, trong dịp lễ “Hiến Phù”, Gia Long đã cho dẫn vua tôi Tây Sơn đến trước bàn thờ tổ tiên để hành quyết.
Đầu tiên, Gia Long buộc Quang Toản mở mắt chứng kiến cảnh phơi bày thi thể Quang Trung và những người thân mới bốc từ huyệt mộ lên. Bỏ hài cốt vô một cái giỏ lớn rồi cho quân lính đi tiểu vào đó, sau giã nát tất cả thành bột rồi dí sát vào mắt Quang Toản. Cuối cùng cho Quang Toản ăn một bữa ngon rồi bịt mồm tất cả gia đình Quang Toản bằng giẻ rách để khỏi kêu la. Tay chân ông bị căng vào chân bốn con voi, bị xé nát làm bốn mảnh ruột gan bầy nhầy. Thịt da được róc thành năm phần, đem phơi năm chợ khắp kinh thành để răn đe dân chúng còn bụng dạ mà theo Tây Sơn. Các em của Quang Toản là Quang Cương, Quang Tự, Quang Điện, Quang Thất, Quang Duy đều bị Gia Long giết chết. Riêng Ngọc Hân công chúa và hai con sống lẫn vào dân ở Quảng Nam, không lâu sau cũng bị bắt. Ngọc Hân uống thuốc độc quyên sinh, hai con cũng bị thắt cổ chết. Những tướng theo Tây Sơn đều bị truy sát, ai ra đầu thú thì sẽ được giảm nhẹ, ai trốn chạy sẽ bị giết sạch.
Trần Quang Diệu là một người tài ba, đã từng nhiều lần vây đánh Gia Long khi quân Gia Long từ Gia Định tiến ra Bình Định. Chính Trần Quang Diệu là người đã vây quân Võ Tánh ở thành Quy Nhơn khiến Võ Tánh hết lương phải viết thư xin hàng và tự thiêu tại thành Quy Nhơn. Trần Quang Diệu là một tướng thân cận được Nguyễn Huệ ủy thác giúp Quang Toản trị vì đất nước. Gia Long tuy căm giận nhưng cũng rất nể phục ông là người con chí hiếu với mẹ già nên giết chết ông bằng cách chém ngang lưng.
Còn nữ tướng Bùi Thị Xuân – người nhiều phen làm cho Gia Long khốn đốn nên Gia Long rất căm hận. Bùi Thị Xuân là một đô đốc tài ba, chuyên huấn luyện voi chiến cho Tây Sơn, nhiều lần đội quân voi chiến này đánh tan quân của nhà Thanh lẫn quân của Gia Long. Khi bắt được Bùi Thị Xuân, Gia Long bắt chính con voi mà bà cưỡi phải giẫm chết bà. Bọn lính bắt bà phải quỳ xuống để cho voi giẫm nhưng bà không chịu quỳ mà tiến thẳng về phía con voi. Con voi lùi dần nhưng vì bị xích nên con voi không lùi được nữa. Bọn lính thấy thế vội vàng bắn hỏa pháo, đâm cây nhọn sau đít con voi để nó trở nên hung tợn. Con voi thương chủ, chảy nước mắt nên dùng vòi quấn quanh người Bùi Thị Xuân đưa lên cao rồi quật một cái thật mạnh xuống đất để bà chết ngay. Sau đó, con voi phá tung dây xích chạy thẳng vào rừng. Từ đó không ai còn nhìn thấy con voi này nữa.
            Sau khi nhà Tây Sơn mất, các võ tướng và một số quan văn bị giải về Hà Nội để bị xử phạt đánh bằng roi ở Văn Miếu, trong số đó có Phan Huy Ích và Ngô Thì Nhậm. Chủ trì cuộc phạt đánh đòn đó là Đặng Trần Thường. Vốn có thù riêng, Đặng Trần Thường kiêu hãnh ra vế câu đối cho Ngô Thì Nhậm[1]:
“Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai”
 Ngô Thì Nhậm khẳng khái đáp:
“Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế”
            Đặng Trần Thường bắt ông phải sửa lại như câu nói “thế đành theo thế”. Ngô Thì Nhậm không nói lại. Thường tức giận sai người dùng roi tẩm thuốc độc đánh ông. Sau trận đòn về nhà, Phan Huy Ích không bị đánh bằng roi tẩm thuốc độc nên còn sống. Còn Ngô Thì Nhậm bị thuốc độc ngấm vào tạng phủ, biết mình không qua khỏi, trước khi qua đời ông có làm bài thơ gửi tặng Đặng Trần Thường như sau:
Nguyên tác :            
Ai tai Đặng Trần Thường
Chân như yến xử đường
Vị Ương cung cố sự
Diệc nhĩ thị thu trường
            Bản dịch
Thương thay Đặng Trần Thường
Tổ yến nhà xử đường
Vị Ương cung chuyện cũ
Tránh sao kiếp tai ương?
 
Nghĩa là: Thương thay Đặng Trần Thường. Nay quyền thế lắm đấy, nhưng khác nào như chim yến làm tổ trong cái nhà sắp cháy, rồi sẽ khốn đến nơi. Giống như Hàn Tín giúp Hán Cao tổ rồi bị Cao tổ giết ở cung Vị Ương. Kết cục của ngươi rồi cũng thế đó[2].
            3. Xây dựng nền quân chủ chuyên chế
             Bên cạnh việc trả thù thì Gia Long còn phá hủy hoàn toàn tất cả những công trình do Tây Sơn xây dựng. Ấp Tây Sơn bị đổi thành ấp An Tây. Mọi dấu ấn của triều đại Tây Sơn đều bị nhà Nguyễn phá sạch. 
            Việc thứ hai Gia Long làm là cử Lê Quang Định làm Chánh sứ sang nhà Thanh xin phong vương và đổi tên nước là Nam Việt. Nhà Thanh cho rằng tên nước Nam Việt sẽ lẫn với nước của Triệu Đà (gồm cả Đông Việt, Tây Việt) nên đổi là Việt Nam. Thế là năm Giáp Tý (1804) Án sát Quảng Tây Tề Bồ Sâm được vua Thanh phái sang phong vương cho Gia Long và nước ta có tên là Việt Nam. Điều này hoàn toàn trùng khớp với lời sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là: “Việt Nam khởi tổ xây nền”.
            Việc thứ ba, Gia Long làm là cho kiến thiết đất nước. Năm 1806 nhà vua cho xây dựng đàn Nam Giao, tiến hành xây lại kinh thành Huế, dựng diện Cần Chánh để thiết thường triều, dựng điện Thái Hòa để thiết đại triều. Quy định hàng tháng cứ ngày rằm và mồng một thì thiết đại triều, các ngày 5, 10, 20 và 25 thì thiết thường triều.
            Gia Long trực tiếp điều hành mọi việc trong nước từ Trung ương đến địa phương và tiếp tục củng cố an ninh quốc phòng, xây dựng giao thông và bình định mọi sự chống đối. Năm Bính Dần (1806), vua Gia Long sai biên soạn và ban hành bộ Nhất thống địa dư chí gồm 10 quyển. Năm Ất Hợi (1815) ban hành bộ Hoàng Việt luật lệ (Bộ luật Gia Long). Từ năm 1831 - 1832 ông chia nước ta thành 30 tỉnh và một phủ trực thuộc. Triều đại nhà Nguyễn bắt đầu từ năm 1802 đến 1945 lần lượt qua 13 đời vua. Nếu tính từ năm 1558 đến  1945, vương triều nhà Nguyễn kéo dài 387 năm, trong đó có 25 năm bị gián đoạn bởi nhà Tây Sơn nắm quyền. Thời gian thịnh trị của các triều vua nhà Nguyễn từ 1802 đến 1862. Từ đó trở về sau này, triều đình nhà Nguyễn lệ thuộc vào nhà nước Pháp.
            Là vua sáng nghiệp của triều Nguyễn, Gia Long rất chú tâm trong việc đặt nền móng cho vương triều có một địa bàn thống trị rộng lớn từ Bắc chí Nam. Triều Nguyễn đặt ra lệ Tứ bất nhằm hạn chế sự phân chia quyền lực quân chủ. Đó là: bất lập Tể tướng (đã được quy định từ thời Lê Thánh Tông), bất lập Hoàng hậu (Gia Long, Bảo Đại có lập Hoàng hậu), bất lập Thái tử (không phong vương), bất lập Trạng Nguyên (thi Đình không lấy Trạng Nguyên). Ở triều đình chỉ đặt ra 6 bộ: Bộ Lại, Bộ Hộ, Bộ Lễ, Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Công do các Thượng thư đứng đầu và Tả hữu tham tri, Tả hữu thị lang giúp việc.
            Gia Long cho tổ chức lại các đơn vị hành chính từ trung ương đến địa phương. Từ Ninh Bình trở ra gọi là Bắc thành gồm 11 trấn (5 nội trấn và 6 ngoại trấn); từ Bình Thuận trở vào gọi là Gia Định thành gồm 5 trấn; ở quảng giữa là các trấn độc lập: Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Nghĩa, Bình Định, Phú Yên, Bình Hòa, Bình Thuận. Đất kinh kỳ đặt 4 doanh: Trực Lệ Quảng Đức doanh (tức Thừa Thiên), Quảng Trị doanh, Quảng Bình doanh và Quảng Nam doanh. Cai quản Bắc thành và Gia Định thành có Tổng trấn và Phó tổng trấn. Mỗi trấn có Lưu trấn hay Trấn thư, cai bạ và ký lục. Trấn chia ra phủ, huyện, châu có tri phủ, tri huyện, tri châu đứng đầu.
            Gia Long tiếp tục cho khai hoang vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhà nước đã bỏ tiền đào kênh thoát nước Thụy Hà và sông Vĩnh Tế tạo thuận lợi cho việc khẩn hoang. Việc trị thủy vùng đồng bằng Bắc Bộ cũng được Gia Long chú ý ngay từ đầu. Năm Giáp Tí (1804), trên đường ra Bắc làm lễ thụ phong của nhà Thanh, Gia Long cũng nêu vấn đề đắp đê để sĩ phu Bắc Hà bàn luận. Mặc dù chưa nhất trí, nhà vua vẫn quyết định đắp đê. Thời Gia Long trị vì, khối lượng đê, kè, cống được đắp nhiều nhất so với các triều trước.
            Về đối ngoại, triều Nguyễn một mặt tranh thủ sự ủng hộ và giữ lễ thần phục nhà Thanh, mặt khác lại tạo quan hệ chiếu trên đối với Chân Lạp và Ai Lao. Đối với các nước phương Tây, từ chỗ dựa vào lực lượng của họ để giành thắng lợi chuyển sang lạnh nhạt. Năm Quý Hợi (1803), nước Anh xin mở cửa hàng buôn bán ở Trà Sơn (Quảng Nam) bị nhà vua từ chối. Sĩ quan Pháp đã từng giúp vua được trọng đãi, giữ chức tại triều, mỗi người có 50 lính hầu, gia đặc ân buổi chầu không phải lạy... Còn yêu sách khác của chính phủ Pháp đều bị khước từ. Năm Đinh Sửu (1817) tàu buôn Pháp tên là La paix (Hoà Bình) chở hàng sang bán nhưng là hàng không hợp thị hiếu người Việt Nam, phải trở về, miễn thuế. Đến khi tàu Cybèle vào Đà Nẵng đưa thư Hoàng đế Pháp nhắc lại việc thi hành điều ước ký năm Đinh Mùi (1787) (Bá Đa Lộc thay mặt Nguyễn Ánh, có khoản Nguyễn Ánh nhường cho Pháp cửa biển Đà Nằng và đảo Côn Lôn). Gia Long kiên quyết bác bỏ viện lý rằng: Điều ước tuy đã ký nhưng thuở đó phía Pháp không thực hiện thì nay không còn giá trị nữa. Nhà Nguyễn không cấm hẳn các thuyền buôn phương Tây song cũng không mời chào, khuyến khích.
            4. Sát hại công thần
Việc cuối cùng Gia Long làm là sát hại các công thần. Các công như Nguyễn Văn Thành, Đặng Trần Thường đều bị giết hại giữa lúc Gia Long đang trị vì.
            - Nguyễn Văn Thành
            Nguyễn Văn Thành vốn là người Thừa Thiên, vào Gia Định đã hai ba đời, theo Gia Long từ những ngày đầu và chịu muôn nỗi gian truân cùng chủ tướng. Nguyễn Văn Thành có tài và lập được nhiều công lớn, đứng đầu hàng công thần. Gia Long lên ngôi giao cho Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc Thành. Qua mấy năm cai quản của Nguyễn Văn Thành, tình hình đất Bắc đã yên ổn sau nhiều năm loạn lạc. Sau đó Nguyễn Văn Thành được triệu về kinh lãnh chức Trung quân. Nguyễn Văn Thành vốn có tài trước thuật nên được giao biên soạn quốc sử.
            Nguyễn Văn Thành vốn thẳng tính, hay nói thật nên thường xuyên làm mất lòng Gia Long và các quan nên nhiều người trong triều rất ghét ông. Nhân chuyện Nguyễn Văn Thuyên làm thơ ngâm vịnh với bạn bè, lời lẽ hơi ngông mà các đối thủ vốn ngầm đố kỵ công lao của Thành liền vu cho Thuyên có mưu đồ thoán đoạt ngôi vua. Câu thơ đó như sau:
Thử hồi nhược đắc sơn trung đế
Tá ngã kinh luân chuyển hóa cơ
            (Nghĩa là : Thời nay, nếu mà có được vị chúa trong núi kia ở bên cạnh để ta lo sắp đặt thì có thể xoay chuyển được cơ trời).
            Vì câu thơ này mà cha con Nguyễn Văn Thành cùng bị triều thần hạch tội. Thuyên bị bắt giam, Thành bị triều thần nghị tội tử. Sau buổi triều kiến, Thành chạy theo nắm lấy áo vua, kêu khóc thảm thiết:
            - Thần theo bệ hạ từ thuở còn nhỏ đến bây giờ, nay chẳng có tội gì mà bị người ta cấu xé. Bệ hạ nỡ lòng nào ngồi nhìn người ta giết thần mà không cứu!
            Gia Long không nói gì, giật áo ra, đi vào cung, từ đó cấm không cho Thành vào chầu nữa. Lê Văn Duyệt đem Thuyên ra tra khảo, bắt phải nhận tội phản nghịch. Nguyễn Văn Thành sợ quá phải uống thuốc độc tự tử còn Nguyễn Văn Thuyên bị đem xử chém[3].
            - Đặng Trần Thường
            Đặng Trần Thường cũng là một trong những Khai quốc công thần của triều Nguyễn, lập được nhiều công lao hạng mã nhưng kết cục cũng chẳng khá hơn Nguyễn Văn Thành. Đặng Trần Thường bị tố cáo khi còn ở Bắc Thành đã làm nhiều chuyện trái phép, như ức hiếp người ta để chiếm ao, đầm, ẩn lậu thuế đinh, thuế điền. Bởi lẽ này mà Đặng Trần Thường cũng bị khép vào tội phải xử tử. Khi ở trong ngục, Đặng Trần Thường hay uống rượu lại thích nói càn. Đặng Trần Thường có làm bài phú bằng văn Nôm, đề là Vương Tôn, ví mình cũng gặp cảnh ngộ tương tự như Hàn Tín thuở nào, lời lẽ rất ai oán[4]. Đình thần đều cho là đáng giết. Năm Bính Tí (1816) Đặng Trần Thường bị xử phải thắt cổ cho chết, gia sản bị tịch thu sung công[5].
            Ngoài ra, Gia Long còn giết chết nhiều tướng trụ cột triều đình như Đỗ Thành Nhân, Lê Văn Quân, Lê Chất…
            Tháng 11 năm Kỷ Mão (1818), long thể vua bất an, vua hạ chiếu cho Hoàng Thái tử quyết đoán việc nước sau đó mới tâu lên vua sau. Tháng 12, bệnh vua ngày càng nguy kịch, vua lại gọi các hoàng tử và đại thần Lê Văn Duyệt, Phạm Đăng Hưng vào hầu. Vua cho bày ấn ngọc, cờ, gươm trên án vàng trước giường ngự rồi nói với Hoàng thái tử rằng:
            - Đây là cơ nghiệp gian nan của trẫm, nay giao cho con, con nên cẩn thẩn giữ gìn. Hoàng tử cùng các tước công, đại thần khuyên nhà vua cố gắng thuốc thang, an tâm chữa trị, chớ nên lo lắng gì nhiều. Vua nói:
            - Có điều này bọn ngươi không biết đâu! Phàm truyền ngôi là việc lớn xưa nay, hôm nay còn nói được mà không nói, ngày khác chết thì nói sao kịp!
             Nói đoạn, vua liền gọi Hoàng thái tử đến trước giường, dụ rằng:
            - Nay việc lớn của thiên hạ đã định rồi. Ta cũng sắp chết, không nói gì, chỉ có một việc là ngày sau phải cẩn thận, chớ nên gây hấn ngoài biên cương.
            Nói rồi vua sai Hoàng thái tử lấy bút chép lại lời đó. Hoàng thái tử ngập ngừng muốn tránh chữ “băng” (chết), vua liền cầm bút phê vào. Ngày Đinh Mùi tháng 12, vua băng hà ở điện Trung Hoa, thọ 59 tuổi. Gia Long ở ngôi chúa được 25 năm, làm vua được 18 năm tổng cộng là 43 năm.
            5. Xây dựng lăng mộ để giữ gìn long mạch cho dòng họ Nguyễn
            Cuối tháng 1 năm 1820, bệnh tình của vua Gia Long trở nên ngày càng trầm trọng. Trước sự chứng kiến đầy đủ của các hoàng thân và đại thần, Gia Long để lại di chiếu truyền ngôi cho Hoàng tử Đảm. Nửa tháng sau, nhà vua băng hà, thi thể nhà vua được tắm gội bằng nước ngũ vị hương, mặc áo hoàng bào, đội mũ cửu long, lưng mang đai ngọc, tay cầm trần quế, chân đi hia. Ngày hôm sau, triều đình cử hành lễ tiểu liệm, đại liệm, rồi nhập tử cung. Ngày 5 tháng 2, Hoàng tử Đảm ban hành một bản hoán dụ loan tang lễ cho tầng lớp dân chúng biết. Ngày mồng 1 tháng giêng năm Canh Thìn, đình thần tổ chức lễ đăng quang cho Hoàng tử Đảm. Ông lên ngôi lấy nên hiệu là Minh Mạng.
Gần 4 tháng sau, vua Minh Mạng mới làm lễ di quan ra khỏi Hoàng thành. Năm phát súng lệnh và lá cờ vàng bay phấp phới trên kỳ đài báo hiệu vua Gia Long đã yên giấc ngàn thu trên Thiên Thọ Sơn. Ông mất năm 1820, trị vì được 18 năm, hưởng thọ 58 tuổi.
Lăng Gia Long tọa lạc trên chính giữa ngọn đồi bằng phẳng với phong cảnh thiên nhiên, sơn thủy hữu tình. Trước lăng là ngọn núi Đại Thiên Thọ làm tiền án. Sau có 7 ngọn núi làm hậu án. Mỗi bên phải, bên trái đều có 14 ngọn núi tạo thế “tả thanh long, hữu bạch hổ”. Xung quanh lăng, quần thể phần mộ của đại gia tộc như kết liền với nhau bởi hai hồ nước và một dòng suối thơ mộng. Tất cả tạo nên vẻ đẹp hùng vĩ mà trữ tình, bình dị, khác xa với sự nguy nga tráng lệ của đền đài lăng tẩm của con cháu ông sau này. Quan trọng hơn, với thế đất “tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền chu tước, hậu huyền vũ” này mà vương triều nhà Nguyễn tồn tại gần 150 năm (từ 1802 – 1945).
 


[1] Trước đây, Ngô Thì Nhậm và Đặng Trần Thường có quen biết với nhau. Lúc Ngô Thì Nhậm được vua Quang Trung trọng dụng thì Đặng Trần Thường đến xin Nhậm tiến cử. Trông thấy vẻ khúm núm làm mất phong độ của kẻ sĩ, Nhậm thét bảo Thường: “Ở đây cần dùng người vừa có tài vừa có hạnh, giúp vua cai trị nước. Còn muốn vào luồn ra cúi thì đi nơi khác”. Đặng Trần Thường hổ thẹn ra về, rồi vào Nam theo Nguyễn Ánh. Do việc này nên Đặng Trần Thường rất thù Ngô Thì Nhậm.
[2] Quả nhiên sau này bài thơ ứng nghiệm, Đặng Trần Thường bị Gia Long xử tử.
 
[3] Đại Nam chính biên liệt truyện - quyển thứ 21.
[4] Kết cục này của Đặng Trần Thường đã được Ngô Thì Nhậm nhắc đến trong bài thơ Nhậm tặng Thường.
[5] Đại Nam chính biên liệt truyện - quyển thứ 27.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn