1. Nhà báo Nguyễn Hằng: Xin chào GS.TS. Cao Ngọc Lân - Viện trưởng Viện nghiên cứu vũ trụ và văn hóa Phương Đông. Trong văn hóa phương Đông, hình ảnh con hổ biểu trưng cho điều gì? GS.TS. Cao Ngọc Lân: Trong văn hóa phương Đông, con hổ tượng trưng cho sức mạnh, uy lực của một con người, một vùng lãnh thổ một tỉnh hay một quốc gia. Nếu như con rồng - long là biểu trưng cho vua chúa thì con hổ lại tượng trưng cho của võ tướng. Trong phong thủy, con hổ là một trong những linh vật, được sử dụng để trừ tà. Trong một ngôi nhà hay một công trình kiến trúc, từ trong gian giữa nhà nhìn ra cửa thì bên trái là tay Thanh Long, biểu trưng cho con rồng, bên phải là tay Bạch Hổ, biểu trưng cho con hổ. Trước mặt là Chu Tước biểu tương là con phượng đỏ, sau lưng là Huyền Vũ, biểu tương là con Rùa đen.
1. Nhà báo Nguyễn Hằng: Xin chào GS.TS. Cao Ngọc Lân - Viện trưởng Viện nghiên cứu vũ trụ và văn hóa Phương Đông. Trong văn hóa phương Đông, hình ảnh con hổ biểu trưng cho điều gì?
GS.TS. Cao Ngọc Lân: Trong văn hóa phương Đông, con hổ tượng trưng cho sức mạnh, uy lực của một con người, một vùng lãnh thổ một tỉnh hay một quốc gia. Nếu như con rồng - long là biểu trưng cho vua chúa thì con hổ lại tượng trưng cho của võ tướng. Trong phong thủy, con hổ là một trong những linh vật, được sử dụng để trừ tà. Trong một ngôi nhà hay một công trình kiến trúc, từ trong gian giữa nhà nhìn ra cửa thì bên trái là tay Thanh Long, biểu trưng cho con rồng, bên phải là tay Bạch Hổ, biểu trưng cho con hổ. Trước mặt là Chu Tước biểu tương là con phượng đỏ, sau lưng là Huyền Vũ, biểu tương là con Rùa đen.
2. Nhà báo Nguyễn Hằng: thưa GS, vì sao con Hổ lại có vị trí quan trọng trong văn hóa tâm linh của người Việt nói riêng và người phương Đông nói chung, khi đây không phải là một con vật gần gũi và gần như không thể thuần hóa?
GS.TS. Cao Ngọc Lân: trong phong thủy, hổ là là một trong con vật thứ hai trong tứ linh “Long - Lân - Quy- Phượng” (hình tượng con lân chính là con hổ được thần thánh hóa). Thanh Long ở hướng Đông, mang hành Mộc của các loại cây cối có màu xanh, tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở, đâm chồi nảy lộc. Bạch Hổ ở hướng Tây, hành Kim, màu trắng, tượng trưng cho lưu giữ tiền bạc, của cải, vật chất của gia đình. Do tính linh thiêng của con vật này nên trong thờ cúng và trong phong thủy, con hổ luôn có vị trí quan trọng.
3. Nhà báo Nguyễn Hằng: thưa GS, ở nhiều không gian khác nhau, những địa điểm khác nhau, hình tượng con hổ lại được xây dựng theo những phong cách khác. Có con hổ oai dũng, đang ở tư thế gầm, săn mồi, nhưng cũng có những con hổ hiền lành, đang ở tư thế nghỉ ngơi... Mỗi một tư thế như vậy nói lên điều gì?
GS.TS. Cao Ngọc Lân: thật ra “vạn vật hữu linh”, con hổ cũng giống như con người và có những sắc thái, biểu càm khác nhau. Con hổ ở tư thế oai dũng, đang ở tư thế gầm, săn mồi là để thị uy sức mạnh, ngụ ý là để cho người ta khiếp sợ. Ngược lại, con hổ hiền lành, đang ở tư thế nghỉ ngơi là để thể hiện tính cách hợp tác, có thể cùng chung sống hòa bình.
4. Nhà báo Nguyễn Hằng: thưa GS, tại sao người ta lại gọi con hổ là “ông ba Mươi”?
GS.TS. Cao Ngọc Lân: Sách Lĩnh Nam chích quái chép rằng “dân phải lập đền thờ, hàng năm đến ngày 30 tháng Chạp, theo lệ phải mang người sống đến nộp cho hổ, mới được yên ổn”. Đây rõ ràng là tục thờ Hổ vào Ba mươi tết. Vì thế hổ, cọp, khái, hùm… được gọi là Ông Ba mươi. Phạm Nhĩ là người sống ở Thiên cung, có sức khỏe phi thường. Ông có vành tai rách nên gọi tên như vậy. Phạm Nhĩ cậy có sức át cả thiên binh thiên tướng. Qua nhiều lần giao chiến, ông định lật đổ cả Ngọc Hoàng để lên ngôi Thiên Đế. Ngọc Hoàng yếu thế bèn cầu Phật. Đức Phật tự thân đi bắt Phạm Nhĩ nhốt vào túi thần giao cho Ngọc Hoàng xử lý. Ngọc Hoàng đày Phạm Nhĩ xuống trần gian nhưng cắt đôi cánh đi để khỏi bay về trời làm loạn, đồng thời hóa phép làm cho tai Phạm Nhĩ, vốn rất thính, nghe được ngàn dặm, phải cụp lại khi tỉnh. Nói chung là làm giảm sức mạnh của ông. Nể lời Phật dạy, Ngọc Hoàng giao cho Phạm Nhĩ làm chúa tể sơn lâm, đời đời gọi là Hổ. Còn việc gọi Hổ là Ông Ba mươi là theo lệ khi có người nào săn được hổ thì được vua thưởng 30 quan tiền vì trừ được tai họa cho dân nhưng đồng thời cũng phạt 30 hèo vì sợ vong hồn Phạm Nhĩ giận mà tác quái. Ở miền Nam cũng có câu chuyện giải thích nhưng sự việc vào đời Nguyễn với các nhân vật vua Gia Long nhờ hổ mà sống sót, sau này ra lệnh ai bắt được hổ thì thưởng 30 quan nhưng cũng đánh 30 gậy. Vì thế có tên là Ông Ba mươi.
5. Nhà báo Nguyễn Hằng: thưa GS, trong dân gian, các đình miếu có thờ bức tranh Ngũ hổ có ý nghĩa gì?
GS.TS. Cao Ngọc Lân: các bức tranh thờ ngũ hổ nhiều màu sắc có ý nghĩa là vũ trụ bao la được tạo thành từ năm chất chính: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Con Hổ màu vàng đại diện hành Thổ ở chính giữa; con Hổ màu trắng tượng trưng hành Kim ở hướng Tây, con Hổ màu Đen tượng trưng cho hành Thủy ở hướng Bắc, con Hổ màu Xanh tượng trưng hành Mộc ở hướng Đông, con Hổ màu đỏ tượng trưng cho hành Hỏa ở hướng Nam. Khắp bốn phương đều có hổ trấn ngự mà Hổ là chúa tể của muôn loài nên hồn ma quỷ phải tránh xa.
Về phong thủy, ngũ hành tương sinh và tương khắc làm cho vũ trụ luôn ở trạng thái quân bình không có hành nào thiếu khuyết. Ý nghĩa là vũ trụ giao hòa.
6. Nhà báo Nguyễn Hằng: thưa GS, hổ được coi là một loài vật dữ, vậy theo tín ngưỡng xưa, có những kiêng kỵ hay lưu ý gì đặc biệt trong năm con hổ?
GS.TS. Cao Ngọc Lân: hổ thường tượng trưng cho sự nóng giận, hung dữ. Do đó, năm nay và kể cả cuộc đời thì vẫn nên lấy sự nhẫn nhịn là thượng sách. Cách hóa giải tốt nhất là không thể hiện sự hơn thua với người khác. Năm Dần có thể có sự nóng giận mà giận quá mất khôn nên phải cố gắng làm điều thiện, tích âm đức thì tai họa sẽ qua.
7. Nhà báo Nguyễn Hằng: thưa GS, người tuổi hổ thường được tin là có tính cách như thế nào?
GS.TS. Cao Ngọc Lân: những người sinh năm Dần thường có tính cách mạnh mẽ và độc lập. Họ là những người táo bạo, ưa mạo hiểm, tài trí, thông minh hơn người và luôn ấp ủ những lý tưởng to lớn. Những người sinh năm Dần cũng sống khá nội tâm. Họ kiên cường, không dễ bị khuất phục, hệt như tính cách của loài hổ.
Người sinh năm Nhân Dần có thể mang tính cách khá kiêu ngạo vì ngay từ nhỏ họ đã tỏ ra là người thông minh, hiểu biết. Đặc biệt, người sinh năm Nhâm Dần thường có tài năng về thơ ca, nghệ thuật và thuyết phục người khác. Về Tử vi, “chiếm được địa vị cao trong xã hội” được cho là quan niệm sống của người sinh năm Nhâm Dần
8. Nhà báo Nguyễn Hằng: thưa GS, theo tín ngưỡng của người phương Đông, năm con hổ - năm Nhâm Dần thường được tin tưởng sẽ đem đến điều gì?
GS.TS. Cao Ngọc Lân: năm Nhâm Dần 2022 theo Thiên can và Địa chi thì can Nhâm hành Thủy, chi Dần hành Mộc, Nhâm Dần là Thủy - Mộc. Thủy là nước, mộc là cây. Cây muốn sống phải nhờ vào nước nên năm nay là thủy dưỡng mộc, cây đơm hoa kết trái. Nhìn chung, năm Dần là là sức mạnh và sự thu hoạch và cũng là sự cất giữ, tích lũy. Do đó, năm nay là năm kinh tế có thể hồi phục và phát triển.
Trân trọng cảm ơn GS.