Số lượng truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 6


Hôm nayHôm nay : 1185

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 4072

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 2935821

Giới thiệu

Đôi nét về giáo sư Cao Ngọc Lân

ĐÔI NÉT GIỚI THIỆU VỀ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ CAO NGỌC LÂN Họ và tên:                 CAO NGỌC LÂN           Giới tính: Nam Ngày, tháng, năm...

Giao su Cao Ngoc Lan

Trang nhất Bài viết» Tâm linh»

CÁCH SẮP ĐẶT BÀN THỜ, THẦN VỊ, NGHI LỄ THỜ CÚNG TRONG GIA ĐÌNH

Thứ năm - 31/12/2020 22:52
Người xưa có câu “ẩm thủy đương tư tuyền nguyên đầu, thực mễ đang tư nông canh khổ, hữu tiền đang tư vô tiền thời, kiện khang đang tư phụ mẫu ân”, dịch nghĩa “khi uống nước thì phải nhớ đầu nguồn suối, ăn cơm phải nhớ lúc cày cấy vất vả, giàu có phải nhớ lúc nghèo khổ, khỏe mạnh phải nhớ đến ân của cha mẹ”.
CÁCH SẮP ĐẶT BÀN THỜ, THẦN VỊ, NGHI LỄ THỜ CÚNG TRONG GIA ĐÌNH
 
1. Tầm quan trọng của bàn thờ gia tiên
1.1. Vài nét về bàn thờ tổ tiên của người Việt
Tục thờ cúng tổ tiên đã được hình thành từ rất sớm đối với các cư dân ở vùng Châu Á, đặc biệt với những tộc người chưa có điều kiện quan tâm nhiều tới hệ triết học trừu tượng, minh triết sâu xa có tầm thế giới.
Trong không gian đó thì tục thờ cúng tổ tiên của người Việt là một sinh hoạt tâm linh thường trực đối với bất kể người nào. Nó không phụ thuộc vào tôn giáo, tín ngưỡng. Người Việt thường coi tổ tiên của dòng họ mình, nhà mình là thần linh riêng luôn đứng bên cạnh hỗ trợ về mọi lẽ đời, lẽ đạo của từng con người. Sở dĩ hiện tượng này dù cho mang tính tự nhiên, tự phát nhưng suy cho cùng đã được nhiều nhà nghiên cứu coi rằng nó xuất phát từ một khía cạnh của bản sắc văn hoá dân tộc.
Người xưa có câu “ẩm thủy đương tư tuyền nguyên đầu, thực mễ đang tư nông canh khổ, hữu tiền đang tư vô tiền thời, kiện khang đang tư phụ mẫu ân”, dịch nghĩa “khi uống nước thì phải nhớ đầu nguồn suối, ăn cơm phải nhớ lúc cày cấy vất vả, giàu có phải nhớ lúc nghèo khổ, khỏe mạnh phải nhớ đến ân của cha mẹ”.
Mặc dù tín ngưỡng này tồn tại ở nhiều dân tộc Đông Nam Á, nhưng đối với người Việt, đây là một tín ngưỡng đặc biệt quan trọng và thiêng liêng. Trong mỗi gia đình người Việt đều có bàn thờ tổ tiên (gọi là thờ Gia Tiên), được đặt ở gian giữa, nơi trang trọng nhất trong nhà. Những đồ thờ cúng như bát nhang, bình rượu, bình hoa, chân đèn… là những vật gia bảo thiêng liêng, dù nghèo khó đến đâu cũng không được bán.
Thờ cúng Tổ tiên là một truyền thống văn hóa lâu đời của Việt Nam. Truyền thống vừa mang tính nhân văn, thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của cháu con đối với các thế hệ tiền nhân. Vì thế mà hầu hết trong mỗi gia đình Việt Nam đều có thiết lập bàn thờ gia tiên và lễ giỗ cúng hằng năm. Bàn thờ tổ tiên trong nhà là biểu hiện của nền nếp gia phong, minh chứng cho một gia đình có giáo dục, có đức độ, có tư cách xứng đáng trong cộng đồng xã hội. Bàn thờ Tổ Tiên là động lực nhắc nhở con cháu dù đi xa vẫn phải quay về sinh hoạt gia đình vào những ngày giờ nhất định trong truyền thống sinh hoạt giáo dục của gia đình.  
1.2. Cơ sở hình thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt
Xuất phát từ quan niệm cho rằng, người chết nhưng linh hồn không chết  mà luôn có mối liên hệ vô hình đối với người sống. Người Việt tin rằng, ở nơi “chín suối”, ông bà tổ tiên vẫn thường xuyên đi về thăm nom, phù hộ cho con cháu.
Bên cạnh đó, xuất phát từ lòng biết ơn và lòng hiếu thảo của người Việt đối với tổ tiên nên người Việt xem việc thờ cúng tổ tiên là một việc làm thiêng liêng.
Trong tục thờ cúng tổ tiên, người Việt rất coi trọng ngày chết (ngày cúng giỗ). Ngoài ngày giỗ, việc thờ cúng còn được tiến hành vào các ngày mồng một, ngày rằm, vào dịp lễ, tết, hoặc khi trong nhà có việc hệ trọng (cưới hỏi, đi xa, thi cử, làm nhà thượng thọ, vinh quy bái tổ…) để báo cáo tổ tiên và xin tổ tiên phù hộ[1].   
Lễ vật cúng tổ tiên thường có đủ những thứ mà người sống cần như: hương, hoa, trà, rượu, nước, thức ăn, quần áo, đồ dùng, tiền nong làm bằng giấy (vàng mã), với niềm tin rằng người chết sẽ nhận được các lễ vật đó. Nếu mỗi gia đình đều thờ cúng tổ tiên của mình thì cả dân tộc lại thờ cúng vị Quốc tổ là Vua Hùng, được tổ chức trang trọng vào ngày 10-3 (ÂL) hàng năm.
            Người ta sinh ra có được sinh mệnh, được sống đến ngày nay là nhờ vào tổ tiên. Tổ tiên giống như gốc cây đại thụ nuôi dưỡng để cành lá khỏe mạnh xanh tươi, tượng trưng cho con cháu phát triển. Vì vậy, nếu không có tổ tiên duy trì nòi giống truyền từ đời này sang đời khác thì cũng không có con cháu ngày nay. Tục thờ cúng tổ tiên chính là sự ghi nhớ công ơn và là cách để chăm chút cho cái gốc của mình, gốc có tốt thì cây mới phát triển ra hoa kết trái. Người ta thường nói, tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu. Hầu như trước đây, không một người Việt nào quan niệm chết là hết, mà sự chết chỉ là hiện tượng chuyển kiếp từ không gian vật chất sang không gian tâm linh với một linh hồn vĩnh cửu mà thôi. Linh hồn này bất biến, tự nhiên, tự tại và luôn có khả năng chi phối lại với những kiếp đời ở trần gian. Trên tinh thần đó, có người hỏi “Ai là người thờ cúng tổ tiên”?                                                       
1.3. Người thờ cúng tổ tiên 
Do ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo và phong kiến Trung Quốc, nên từ xưa đến nay, việc thờ cúng tổ tiên thường được xem là trách nhiệm của người con trai trưởng trong gia đình. Con trưởng chết thì con của con trưởng tiếp tục thờ cúng  tổ tiên của tộc họ (thường gọi là hương hỏa). Trường hợp con trưởng chết không có con trai nối dòng thì việc thờ cúng tổ tiên do người con trai kế tiếp thực hiện. Khi gia đình nào đó không còn con trai nối dõi tông đường thì bài vị của họ được đưa về thờ chung ở nhà thờ tổ của dòng tộc đó. Những gia đình có đông anh chị em thì con trai trưởng thờ cúng cha mẹ tổ tiên. Các con trai thứ khác không thờ tổ tiên nhưng có thể thờ cha mẹ khi cả hai cha mẹ đẻ đã chết. Đến khi người con thứ chết đi thì con của họ sẽ thờ cha và mẹ sinh ra họ. Con gái rất ít khi lập bàn thờ cha mẹ, nhất là khi đã có gia đình (nữ sinh ngoại tộc). Gia đình đó không có con trai tùy trường hợp gia đình đó sẽ di chúc cho người con gái nào được ở căn nhà cha mẹ lúc sống thì con rể và con gái đó sẽ thờ tự cha mẹ vợ. Vậy có nên thờ chung gia tiên của nội, ngoại trên cùng nột bàn thờ?
1.4. Thờ chung Tổ Tiên nội ngoại
Một câu hỏi đặt ra là: có trường hợp gia đình nào đó không có con trai thì người con gái đem bàn thờ cha mẹ mình về thờ chung với bàn thờ gia tiên nhà chồng, việc này có được không? Nếu đứng trên quan điểm của Phật giáo thì việc báo hiếu không là trách nhiệm của riêng ai, không kể là nam hay nữ đều phải biết báo hiếu, bởi vì ân đức của cha mẹ đối với mỗi người chúng ta là như nhau. Do đó, việc thờ cúng gia tiên, một trong những biểu hiện thiết yếu của hạnh hiếu, càng không thể có sự phân biệt nam nữ được. Thờ cúng tổ tiên là sự thể hiện lòng tri ân báo ân của con người. Do đó, việc thiết lập bàn thờ cha mẹ đôi bên chung một bàn thờ không những có thể được, mà đó còn là việc làm đáng khuyến khích, vì nó vừa thể hiện tấm lòng tri ân với tiền nhân, vừa thể hiện sự bình đẳng giữa vợ chồng trong nghĩa cử cao đẹp của tinh thần hiếu nghĩa.Vấn đề là thiết lập bàn thờ như thế nào cho đúng cách?
Theo đó, việc thiết lập bàn thờ theo nguyên tắc: “trai tay trái, gái tay phải” nếu đứng từ bàn thờ nhìn xuống. Như vậy là thờ cha mẹ của chồng bên trái, thờ cha mẹ của vợ bên phải nếu đứng từ bàn thờ nhìn xuống[2].
 2. Cách sắp xếp bố trí bàn thờ thần Phật
2.1.Sắp xếp bàn thờ thần Phật
             Trong lịch sử tín ngưỡng người Việt, thờ cúng thần linh đã có từ lâu đời, do cuộc sống dựa chủ yếu vào tự nhiên nên người xưa lập đàn kính tế quỷ thần, mong giảm bớt thiên tai đem đến phúc lộc. Chúng ta dễ dàng nhận thấy ngoài các ngôi đền lớn nhỏ ở khắp các địa phương thì ngày nay trong nhiều gia đình vẫn có bát nhang thờ thần Phật để tiêu tai, nạp phúc, sự nghiệp thuận lợi, hưng vượng nhân đinh, là nơi gửi gắm niềm tin của cả gia đình.
Vậy gia đình hoặc công ty nên thờ những vị thần linh nào? Theo chúng tôi, nên cân nhắc thờ các vị sau đây:
- Phật Tổ Như Lai, Phật A Di Đà, Phật Dược Sư, Trường Thọ Phật.
- Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Địa Tạng Vương, Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền.
- Ngũ Lộ Tài Thần, Quan Đế Tài Thần, Hoàng Đại Tiên Tài Thần.
- Tổ Tiên nhà mình, Địa Chủ Tài Thần thờ ở trong nhà, thờ ngoài cửa gọi là “Môn Khẩu Thổ Địa”.
Trong quan niệm của người Việt, bàn thờ trong mỗi gia đình là nơi thờ cúng gia tiên, tưởng nhớ tổ tiên là nơi trang nghiêm, tôn kính nhất. Thế nhưng phong tục tốt đẹp từ ngàn đời này có những nguyên tắc sắp xếp, trang hoàng riêng mà không phải ai cũng biết.
Thần Phật được thờ trong nhà giống như người khách quý nên người ta thường đặt ban thờ thần Phật ở sảnh giữa nhà, áp lưng vào tường vững chắc hoặc để chung với bàn thờ gia tiên. Cho dù đặt riêng hay đặt chung với bàn thờ gia tiên thì cũng đều có những nguyên tắc cần tuân thủ.
Gia tiên là chủ nhân, thần minh là khách quý, có thể chấp nhận có chủ nhân nhưng không có khách, nhưng không được chỉ có khách mà không có chủ. Nếu vừa có chủ vừa có khách cùng chung một bàn thờ là lý tưởng nhất. Tuy nhiên, cũng không phải tùy tiện thích đặt thế nào thì đặt vì vậy, người xưa cho rằng chỉ cần nhìn vào nơi thờ cúng của gia đình cũng có thể biết gia chủ có tâm hay không: Cái tâm ở đây không được đo bằng mâm cao cỗ đầy, vàng mã bao nhiêu mà là ở vị trí đặt bàn thờ, cách sắp xếp bàn thờ ra sao cho phù hợp, trang nghiêm và sạch sẽ.  
Quan niệm phong thủy thì cho rằng bàn thờ là nơi linh khí quy tụ, là chỗ để người trên dương thế liên hệ với người đã khuất, người chết thì thành thần, thần lại là trung gian giữa trời với người. Từ đó có thể thấy, khí trường của bàn thờ ảnh hưởng rất lớn đến người trong nhà. Bàn thờ sắp đặt đúng cách không chỉ khiến người đã khuất an định mà ở lại coi sóc phù hộ gia đình, nên bàn thờ cũng có những quy tắc nhất định.
2.2. Sắp đặt bàn thờ theo quan niệm phong thủy
 Bàn thờ nên quay ra cửa chính, không nên ngược với hướng nhà có thể gây âm dương tương phản, dễ gây bất trắc, nô bộc phản bội hoặc con cái không hiếu thuận, tài vận và gia vận bị ảnh hưởng. Bàn thờ thần Phật thì nên đặt ở hướng chính hoặc quay bên trái, bên phải. Bàn thờ gia tiên tốt nhất nên đặt ở tầng một, gian chính giữa nhà, quay ra cửa lớn để khi vừa mở cửa vào đã nhìn thấy gia tiên, tiện bề chăm sóc.
Số lượng thần Phật phải là số dương, do thần Phật thuộc dương vì vậy phải dùng số lẻ, không nên thờ cùng lúc quá nhiều thần Phật, hoặc thờ cùng lúc hai thần xung khắc nhau có thể gây loạn linh khí khiến người trong nhà tinh thần bất an, dễ gặp tai họa. Nếu có đặt tượng thần Phật mà tượng ấy lại bị nứt thì nên nhanh chóng thay mới do tà khí có thể xâm nhập vào.
 Bàn thờ có thờ chung thần Phật và bài vị tổ tiên thì thần Phật đặt ở bên trái, tổ tiên đặt ở bên phải, nếu đặt ngược lại sẽ gây âm thịnh dương suy không tốt cho phong thủy, trong nhà dễ gặp thị phi kiện tụng, bệnh tật không dứt. Thông thường người ta đặt nơi thờ cúng tổ tiên trước rồi mới đến thần Phật. Tổ tiên được coi là chủ, thần Phật được coi là khách quý, nếu mời thần Phật trước rồi mới mời tổ tiên người xưa cho rằng như vậy khiến tổ tiên nhà mình không dám vào cửa. Bài vị tổ tiên cũng không được đặt cao hơn của thần Phật. Ban thờ phải có chỗ dựa lưng, tức kê sát vách tường để linh khí được hội tụ không bị tản mát.
Bát nhang thờ tổ tiên nên có tay cầm, bát nhang thờ thần không nên có tay cầm. Vật liệu bát nhang tốt nhất là dùng bằng sứ, sau đó đến đồng, không nên dùng đá hoa cương. Bát nhang thông thường không nên quá đầy tro, ngày 15 âm hàng tháng có thể rút bớt chân hương cho sạch sẽ.  
Bóng đèn phía trước không nên xung với bàn thờ, không nên dùng đèn chiếu. Bàn thờ cũng không đặt ở vị trí dưới xà nhà, nếu không có vị trí tốt hơn thì phải làm trần, ngoài ra bên trên không được có máy móc như máy điều hòa, máy hút mùi, loa đài.
Bát nhang thờ thần Phật nên cao hơn bát nhang thờ tổ tiên, khi cắm hương thì nén hương nên cao hơn mắt người. Khi đốt hương chỉ nên đốt một nén hương, nếu có điều cần khấn nguyện thì đốt ba nén hương, không nên đốt nhiều hơn dễ khiến tà linh theo vào nhà. Vật phẩm thờ cúng cũng cần chú ý một số điểm sau: thờ Phật và Quan Âm chỉ được dùng đồ chay do nhà Phật không ăn đồ tanh; thờ thần chủ yếu dùng hoa quả và phải là số lẻ 1, 3, 5. Nếu cúng tổ tiên thì số lượng trái cây là hai chữ số (từ 10 quả trở lên).
            3. Cách bố trí bàn thờ gia tiên
Bàn thờ gia tiên được coi là linh hồn của ngôi nhà vì bàn thờ khẳng định vị thế của một gia đình, một nhánh tộc họ. Đó là nơi minh chứng truyền thống gia giáo của Tổ tông, ông bà, cha mẹ. Bàn thờ còn là nơi cử hành trang trọng những nghi lễ trong gia đình từ năm này qua năm khác. Bàn thờ là nơi đặt chân dung các vị tiền bối, để con cháu sau này nhìn mà biết những vị trưởng thượng. Bàn thờ được đặt ở nơi trang trọng giữa nhà.    
Gọi là bàn thờ vì các vật thờ đặt trên một cái bàn có bốn chân cao từ 1 mét đến 1m50. Chiếc bàn này làm bằng gỗ quý, thường được sơn đen, đánh bóng hay sơn son thếp vàng, tram trổ hoa văn cầu kỳ. Ngày nay có những gia đình dùng tủ thờ có nhiều lợi điểm vì không có khoảng trống dưới gầm bàn lại có nhiều ngăn để chứa các vật thờ cúng, làm tăng thêm vẻ trang nghiêm nơi thờ tự. Thông thường, ba gian nhà để thờ được trang trí như sau:
3.1. Gian giữa sát vách tường nhà là bàn thờ gia tiên hay gọi là bàn thờ Tổ Tông
Trước bàn thờ đặt một cái chiếu ghế (cái phản) hay cái bàn dài có từ 8 đến 12 cái ghế dựa để bày biện đồ cúng, gọi là bàn trưởng thượng. Khi có việc chỉ có những người có tuổi cao, có vai vế quan trọng, chức tước lớn, quan chức địa phương mới được mời ngồi vào bàn này. Nếu còn rộng, từ đầu bàn trưởng thượng tới cửa chính người ta đặt một bàn tròn và  8 -12 cái ghế dựa. Bàn này để các vị trưởng thượng ngồi uống nước, đàm đạo. Tất cả mọi khách khứa dù giữ chức vụ lớn ngoài đời khi bước vào nhà có bày biện như thế không thể tự tiện ngồi hay đứng tại bàn trưởng thượng, trước bàn thờ gia tiên của nhà ấy, phải đứng nép qua một bên chờ trưởng thương mời ngồi vào chỗ tương xứng theo đúng nghi lễ. Ở hai gian bên cạnh kế bên bàn thờ tổ tiên người ta đặt hai cái giường dùng để người nhà cùng khách khứa ngồi ăn khi có đám tiệc. Bộ giường đó còn dung cho đàn ông hay khách nghỉ ngơi hay ngủ đêm.
3.2. Bên trong cùng gian giữa sát tường là di ảnh hay bài vị Tổ Tiên
Bài vị là tấm bảng hình chữ nhật đứng có ghi tên khai sinh, chức tước, ngày sinh, năm tử của người được thờ viết bằng chữ Hán hay chữ quốc ngữ giả chữ Hán. Có nhà kê một cái ngai có tượng gỗ sơn son thếp vàng tượng trưng cho ngôi vị Tổ Tiên. Cái ngai là vật thờ có tính chất đặc biệt trang nghiêm, thường được làm bằng gỗ mít hay gỗ quý khác, được sơn son thếp vàng. Hai tay ngai được khắc hình đầu rồng. Trên ngai thờ đặt một cái dĩa lớn để đựng trái cây khi cúng lễ. Trước Thần chủ kê một cái tam sơn là một đồ vật thờ gồm ba phần ở giữa cao, hai bên thấp hơn, dùng để đặt dĩa trầu, ba chén (ly) rượu, dĩa hoa quả vào dịp cúng lễ. Trước tam sơn đặt bát nhang (hương) tổ tiên. Hai bên bát nhang đặt hai cây sáp bằng đồng hay bằng gỗ để cắm cây đèn cầy khi cúng lễ. Hai bên đèn cầy có hai ống bằng gỗ hay bằng đồng để đựng nhang (hương). Hai ống này có miệng loe, chân tiện, sơn son cho đẹp[3].
 
 

[1] Lê Văn Siêu, Nếp sống tình cảm người Việt, Nxb. Lao Động, năm 2003.

 
[2] Lê Mai, Phong tục cúng tế và bài khấn, Nxb. Thanh Hóa, năm 2000.
[3] Toan Ánh, Nếp cũ, tín ngưỡng Việt Nam, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1992.
 
 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn